Đối tượng và những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

07:44 22/02/2021

Đối tượng áp dụng bao gồm người nộp thuế; công chức thuế, cơ quan thuế các cấp; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế, hóa đơn.

Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Nghị định 125/2020/NĐ-CP có điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục hành chính thuế nhằm giảm số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng mạnh theo từng năm
Nghị định 125/2020/NĐ-CP có điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục hành chính thuế nhằm giảm số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng mạnh theo từng năm (Ảnh minh họa)

Điều 3 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể, các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm: Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt theo Nghị định này.

Trường hợp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định này;

Người nộp thuế là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn; Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập; Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam; Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể như sau:
Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực), trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chưa phát hiện sai sót của người nộp thuế trong việc khai, xác định số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng sau đó hành vi vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế bị phát hiện;

Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện;

Không xử phạt hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế;

Không xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó.

Điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục hành chính thuế

Nghị định 125/2020/NĐ-CP có điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục hành chính thuế. Việc xử lý nghiêm những sai phạm được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

Các vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn, và vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.

Với nhóm hành vi vi phạm thủ tục thuế mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng. Đối với nhóm hành vi khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ khai thuế nhưng không dẫn tới thiếu số thuế phải nộp có mức phạt tiền tối thiểu là 500.000 đồng, mức phạt tiền tối đa là 12 triệu đồng. Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế bị sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng.

Hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế hoặc hành vi thuộc trốn thuế nhưng chưa gây hậu quả bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Đối với nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ thuế có mức phạt tiền tối thiểu là 2 triệu đồng, mức tối đa là 25 triệu đồng, tăng mạnh so với mức phạt trung bình hiện hành…

Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn được kỳ vọng sẽ tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế, nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, đồng thời thu đúng, đủ kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Nghị định cũng khắc phục triệt để những tồn tại hạn chế, bất cập của các quy định về xử lý vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hiện hành, qua đó đảm bảo tính công khai minh bạch, thống nhất, công bằng trong áp dụng pháp luật, đảm bảo đồng bộ trong nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Phương Ngân