Đôi nét về miền lễ hội- cội nguồn dân tộc Việt Nam

21:07 28/02/2021

Cứ nỗi mỗi dịp xuân về, sau tết Nguyên Đán khắp mọi miền đất nước lại tưng bừng chảy hội và những vùng đất cổ lại được nhắc đến như những địa chỉ đỏ để du khách ghé thăm.

Mặc du năm nay do đại dịch Covid-19 gần như các lễ hội phải tạm dừng, thế nhưng là những người dân Việt có lẽ ai cũng cảm hoài về những vùng quê rất đỗi thân yêu đã in đậm trong tim của mối con dân Việt Nam chúng ta.

Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh
Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.

Đất Tổ cội nguồn, Phú Thọ hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc biệt nét văn hóa lễ hội đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Sự phong phú của lễ hội ở Phú Thọ vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những ngày đầu Xuân, đến với vùng Đất Tổ để khám phá mảnh đất này chắc chắn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm ấn tượng, khó quên và những cung bậc cảm xúc đầy ý nghĩa.

Đền Hùng - nơi cội nguồn dân tộc

Ngay từ những ngày đầu năm, đã có khá đông du khách về với Đền Hùng, thắp nén hương tưởng nhớ công đức tổ tiên. Nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Đền Hùng trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt là nơi cội nguồn dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cảnh quan Đền Hùng luôn được các thế hệ “con Lạc, cháu Hồng” gìn giữ và thường xuyên tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm tại các công trình trong quần thể Khu Di tích.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm bốn đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng, có lăng mộ Vua Hùng thứ sáu.

Sau khi dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, du khách có thể tham quan Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Bảo tàng Hùng Vương và phong cảnh thiên nhiên nơi đây.

Đền Mẫu Âu Cơ - ấm áp huyền tích

Đền Mẫu Âu Cơ là nơi thờ Mẹ Âu Cơ, được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Dưới triều vua Lê Thánh Tông năm 1465, vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, xây dựng thành Đền Mẫu Âu Cơ như ngày nay, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng. Thế kỷ 15, triều đình Hậu Lê đã phong sắc và cho xây dựng đền, thế kỷ 19 nhà Nguyễn một lần nữa lại phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ. 

Lễ hội đền mẫu Âu Cơ
Lễ hội đền mẫu Âu Cơ.

Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị cao với các kết cấu kiến trúc đền chùa cổ, các pho tượng quý như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, các bức chạm quý và nhiều cổ vật vô giá.

Ngày lễ chính của đền Mẫu Âu Cơ là ngày Tiên giáng mùng 7 tháng Giêng. Dân trong vùng từ lâu đã có câu ca lưu truyền: “Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, Dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời”... Lễ hội có lễ tế Thành Hoàng ở đình, rước kiệu từ đình vào đền, lễ dâng hương và lễ vật gồm 100 bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày liên tục từ mùng 7-9 tháng Giêng.

Hùng Lô - Làng cổ bên sông

Làng cổ Hùng Lô chỉ cách Đền Hùng chừng 10km. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được công nhận từ năm 1990. Địa điểm đầu tiên trong chuyến hành trình khám phá Hùng Lô là Đình Hùng Lô- quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như: Tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế... Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu... Về đây vào dịp đầu Xuân du khách sẽ cảm nhận được không khí sôi nổi của ngày hội Xoan, cùng nhau thưởng thức những làn điệu hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. 

Lễ hội làng cổ Hùng Lô
Lễ hội làng cổ Hùng Lô.

Cùng với ngôi đình cổ với những giá trị lịch sử trường tồn với thời gian là gần 50 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100 đến 200 năm. Là ngôi làng cổ nên Hùng Lô vẫn giữ trong mình nhiều nghề truyền thống. Nếu đã có thời gian để thăm thú quanh ngôi làng cổ, may mắn đúng phiên chính, du khách sẽ được hòa mình vào không khí của chợ quê với những “đặc sản” đậm chất nông thôn.

Đồi chè Long Cốc

Đồi chè Long Cốc nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, ngay trên tuyến đường đi Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Long Cốc được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam, với hàng trăm, quả đồi lớn nhỏ. Vào thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông, vùng đồi chè bao phủ sương mù huyền ảo. 

Đồi chè Long Cố
Đồi chè Long Cố.

Thuộc địa phận xóm Măng 1, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và cách thủ đô Hà Nội khoảng 125km về phía Tây Bắc và khoảng 70 km từ trung tâm thành phố Việt Trì, mỗi đồi chè ở Long Cốc có diện tích khoảng 1ha. Từ trên đồi chè nhìn xuống, Long Cốc nằm gọn trong thung lũng, lúc ẩn, lúc hiện trong sương mây. Đồi chè Long Cốc trông như những chiếc bát úp màu xanh khổng lồ xếp xen kẽ nhau nhấp nhô, trùng điệp tạo nên khung cảnh vô cùng độc đáo, thu hút đông đảo du khách và các nhiếp ảnh gia.

PV