Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm sáng 29/7, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và ước đạt 50% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 59.847 tỷ đồng, tăng 25,8%, ước đạt 61% kế hoạch năm.
Ước tính, toàn ngành đóng góp vào GDP đạt 476.933 tỷ đồng, tăng 22,5%, ước đạt 49% kế hoạch; có tổng số hơn 1.530.528 lao động, tăng 1,3%.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) đạt doanh thu khoảng 1.858.371 tỷ đồng, tăng 27% và ước đạt 49% kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 1.753.071 tỷ đồng, tăng 28,1% (ước đạt 49,53% kế hoạch).
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp công nghệ số hiện nay là 50.350 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 33.536 tỷ đồng, tăng 2,27%; tỷ lệ người sử dụng internet ước đạt 78,1%. Trong đó, số thuê bao ở cả hình thức băng rộng cố định và di động đều tăng mạnh.
Cụ thể, số thuê bao băng rộng di động tăng tăng 7,6% so với cùng kỳ 2023, đạt trung bình 91,9 trên 100 dân. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này trên 90%, vượt mục tiêu 87,5% của Bộ trong 2024.
Trong khi đó, trong 120 triệu thuê bao di động tại Việt Nam có 100,7 triệu sử dụng smartphone, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về băng rộng cố định, số thuê bao đạt mức 23,5 trên 100 dân, tăng 6,8% và đạt 96% kế hoạch năm. Trong số này, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang là 82,2%.
Tuy nhiên, số lượng người chưa sử dụng hạ tầng Internet vẫn ở mức "tương đối lớn". Tại tọa đàm về tắt sóng 2G do Cục Viễn thông tổ chức ngày 18/7, Cục cho biết, vẫn còn khoảng 11 triệu thuê bao sử dụng điện thoại 2G Only, tức chỉ hoạt động trên mạng 2G và chưa tiếp cận với Internet băng rộng di động. Cơ quan quản lý, nhà mạng và đại lý bán điện thoại cho biết, đang thực hiện các biện pháp nhằm phổ cập thiết bị 4G trước thời hạn tắt sóng 2G vào 15/9.
Ngoài ra, để tăng chất lượng Internet di động, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ tháng 5 đã thực hiện việc thống kê và công bố dữ liệu đánh giá tốc độ băng rộng cố định và băng rộng di động của từng nhà cung cấp tại các tỉnh thành và trên cả nước. Từ cuối tháng 7, hệ thống i-Speed bổ sung số liệu đến cấp xã, phường. Việc này giúp nâng tính minh bạch, giúp người dân, tổ chức tham khảo và lựa chọn dịch vụ, nhà mạng theo nhu cầu, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ truy cập Internet tại Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực của ngành TT&TT trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng cuối năm 2024. Cụ thể, ngành TT&TT sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin trên không gian mạng.
Ghi nhận những đóng góp của các tập thể và cá nhân trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 2 tập thể thuộc Bộ đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023 của Bộ TT&TT. Bộ trưởng cũng trao Cờ thi đua của Bộ tặng 11 tập thể đã có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ TT&TT năm 2023...
Minh Tú (t/h)