Cổ phiếu Grab đã giảm 7,4% sau khi gã khổng lồ gọi xe và giao hàng Đông Nam Á báo cáo doanh thu quý II không đạt ước tính của các nhà phân tích và đưa ra dự báo cả năm đáng thất vọng.
Grab đã công bố doanh thu 664 triệu USD trong quý II, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn dự báo đồng thuận là 675,24 triệu USD. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đã cải thiện, đạt 64 triệu USD, so với khoản lỗ 17 triệu USD cùng kỳ năm trước. Trong quý I năm nay Grab báo EBITDA đạt 62 triệu USD.
Trong khi doanh thu của Grab tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự gia tăng trên tất cả các phân khúc, nó đã không đạt được dự báo của Phố Wall. Triển vọng của công ty cũng khiến các nhà đầu tư thất vọng, với doanh thu cả năm 2024 ước đạt 2,7-2,75 tỷ USD, thấp hơn mức 2,78 tỷ USD mà các nhà phân tích kỳ vọng.
"Chúng tôi tiếp tục khai thác sức mạnh của hệ sinh thái Grab, đồng thời cải thiện độ tin cậy của các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi", ông Anthony Tan, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập Grab cho biết. "Nhìn về phía trước, chúng tôi đang thấy sức mạnh tiếp tục trong nền kinh tế Đông Nam Á và sẽ tiếp tục tận dụng các sáng kiến chính của chúng tôi để phục vụ nhiều người dùng hơn trong khu vực, đồng thời thúc đẩy kỷ luật chi phí trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của chúng tôi".
Theo Reuters, tốc độ tăng trưởng của kỳ lân công nghệ Đông Nam Á này đã chậm lại sau thời kỳ nhu cầu giao đồ ăn tăng vọt ở thời điểm đại dịch. Grab đã sa thải 11% lực lượng lao động vào năm ngoái trong một đợt tái cơ cấu lớn nhằm giảm bớt thua lỗ.
Doanh thu từ mảng giao hàng - lĩnh vực kinh doanh lớn nhất của công ty, tăng 11% lên 356 triệu USD, thấp hơn ước tính 362,1 triệu USD của Visible Alpha. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng 19% trong quý I, và chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng gấp đôi trong một số quý của năm 2023 và 2022. Doanh thu từ dịch vụ đi chung xe tăng trưởng kém hơn dự kiến, chỉ đạt 14%.
Giám đốc Tài chính Peter Oey cho biết với Reuters rằng, Grab đã chịu tác động đối với cả doanh thu và giá trị hàng hóa gộp do các đồng tiền Đông Nam Á yếu đi so với đồng đô la Mỹ trong thời gian gần đây.
Kể từ khi thành lập vào năm 2012, công ty có trụ sở tại Singapore này đã mở rộng nhanh chóng khắp Đông Nam Á. Điều đó đã dẫn đến thua lỗ ngày càng lớn cho Grab, khi công ty phải chi mạnh tay để thu hút tài xế và người dùng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như GoTo và Sea.
Mới đây nhất, thương vụ Grab mua lại Trans-cab tại Singapore đã bất thành sau khi Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đánh giá sơ bộ và cho thấy việc mua lại có thể tạo ra rào cản cho các đối thủ cạnh tranh.
Kế hoạch mua lại của Grab được cho là xuất phát từ dự định ra mắt ứng dụng nâng cao tích hợp với màn hình hiển thị trên xe taxi Trans-cab, cho phép tài xế quản lý thu nhập và nhận đặt xe từ nền tảng Grab cũng như tổng đài hiện có của Trans-cab, tất cả thông qua một nền tảng duy nhất.
Tuy nhiên, CCCS cho biết, việc sáp nhập có thể tạo đòn bẩy cho Grab khiến tài xế Trans-cab sử dụng nền tảng của Grab thay vì các đối thủ cạnh tranh.
Cơ quan này nói thêm rằng, Grab và Trans-cab "bày tỏ sự tôn trọng đối với quy trình quản lý và đánh giá cao CCCS vì đã xem xét kỹ lưỡng". CCCS cũng ghi nhận "cam kết của Grab trong việc hoạt động tuân thủ luật cạnh tranh và ý định đóng góp tích cực vào cảnh quan cạnh tranh ở Singapore".
Tú Anh (T/h)