Doanh số thị trường ô tô tiếp tục giảm mạnh, gặp nhiều khó khăn

22:33 25/05/2023

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe toàn thị trường trong tháng 4 đạt hơn 22.400 xe, giảm 25% so với tháng trước và giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu thông tin của VAMA, trong tháng 4/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 và giảm 47% so với cùng kỳ tháng 4/2022.

Trong đó, doanh số bán xe du lịch đạt 15.748 du lịch, 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51% so với tháng trước. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng trước.

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 4/2023 giảm 30% so với 2022, đạt 92.801 xe. Xe ô tô du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 9% và xe chuyên dụng giảm 58% so với năm 2022. Tính đến hết tháng 4/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 39% trong khi xe nhập khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mặc dù các đại lý bán xe ô tô đã triển khai nhiều giải pháp gồm hỗ trợ phí trước bạ, hợp tác với các ngân hàng triển khai gói vay ưu đãi nhưng sức mua thị trường vẫn sụt giảm mạnh. Do vậy, thời điểm này bên cạnh nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, các giải pháp kích cầu từ cơ chế chính sách cũng rất cần thiết để thị trường ô tô hồi phục.

Sau khi chính sách giảm 50% phí trước bạ của Nhà nước hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, một số showroom vẫn tiếp tục hỗ trợ khoản phí này cho khách hàng. Tuy nhiên, doanh số tháng 4 vừa qua vẫn giảm một nửa so với năm ngoái.

Đánh giá chung về thị trường, sức mua giảm mạnh khiến các doanh nghiệp phân phối ô tô gặp nhiều khó khăn. Chưa bao giờ thị trường ô tô trong nước xuất hiện đợt giảm giá trên diện rộng như hiện nay. So với năm ngoái, giá bán lẻ của nhiều mẫu xe đang thấp hơn từ 10-15%.

Bối cảnh kinh tế khó khăn và những biến động trên thị trường tài chính, bất động sản đã tác động mạnh lên ngành này, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn, sức mua giảm mạnh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp về tài chính cũng kém hơn.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, nhiều hãng xe đã triển khai các chương trình chiết khấu lên tới 12%. Tuy nhiên, để tạo sức bật giúp thị trường hồi phục cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hay phí trước bạ phù hợp.

Theo các nhà kinh doanh, nhờ lực đẩy từ chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ, thị trường ô tô năm ngoái đã vượt mốc 500.000 xe, để thoát khỏi mác "thị trường nhỏ". Trước đó, chính sách này cũng đã giúp lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước nửa cuối năm 2020 tăng qua các tháng, đặc biệt tháng 11, 12 có mức tăng trưởng bình quân trên 20%.

Ngọc Phi (TH)

Tags: