Doanh số BYD tháng 11 tăng gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái |
Theo dữ liệu mới công bố, BYD đã bán được 506.804 xe năng lượng mới (NEV) vào tháng 11/2024, đánh dấu lần thứ 2 vượt mốc 500.000 xe/tháng và là tháng thứ 6 liên tiếp đạt kỷ lục tăng doanh số.
Với 506.804 xe bán ra, doanh số của BYD trong tháng 11/2024 đã tăng 67,87% so với mức 301.903 của cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,83% so với tháng 10/2024.
BYD đã ngừng sản xuất và bán các loại xe chạy hoàn toàn bằng động cơ đốt trong vào tháng 3/2022, chuyển sang tập trung vào sản xuất các mẫu xe năng lượng mới (NEV), trong đó bao gồm xe điện hybrid cắm điện (PHEV) và xe điện chạy bằng pin (BEV).
Từ tháng 1 đến tháng 11/2024, BYD đã bán ra tổng cộng 3.740.930 xe cá nhân, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành tích này không chỉ khẳng định sức mạnh của hãng trong lĩnh vực xe năng lượng mới mà còn giúp BYD vượt qua mục tiêu doanh số chính thức 3,6 triệu xe của năm 2024 ngay trong tháng 11.
Trước đó, vào tháng 9, BYD đã bác bỏ tin đồn rằng công ty sẽ nâng mục tiêu lên 4 triệu xe, cho thấy sự thận trọng trong chiến lược phát triển của hãng.
Trong tháng 11, doanh số NEV của BYD tại thị trường quốc tế đạt 30.977 xe, trong đó 28.141 xe đã được xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổng công suất pin xe điện và pin lưu trữ năng lượng được lắp đặt trong tháng 11 đạt 22,47 GWh, nâng tổng công suất tích lũy của năm 2024 lên 171,21 GWh.
Trong tháng 11, BYD bán được 198.065 xe BEV, chiếm 39,3% thị phần thương hiệu, tăng 1,4% so với tháng trước. Trong khi đó, xe PHEV chiếm 60,7% thị phần với 305.938 xe được bán ra. Kết quả này khẳng định vị thế vững chắc của BYD trong cả hai phân khúc xe điện.
Sự phát triển vượt bậc của BYD khiến nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc có thể chiếm lĩnh ngành ô tô toàn cầu, tạo ra sức ép lớn đối với các đối thủ từ Mỹ và châu Âu. Đầu tuần này, Liên minh châu Âu đã áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với xe điện từ thị trường châu Á, làm gia tăng căng thẳng thương mại.
Hiện vẫn chưa rõ BYD có thể chuyển sự thống trị tại thị trường trong nước thành lợi thế đáng kể ở thị trường quốc tế hay không. Doanh số bán hàng ở nước ngoài trong tháng 10 của công ty đã chững lại ở mức khoảng 31.200 chiếc, mặc dù đã có động thái tiếp thị vào mùa hè tại các khu vực như Châu Âu, nơi công ty tài trợ cho giải bóng đá vô địch Châu Âu.
BYD không phải là công ty duy nhất đạt kỷ lục hàng tháng. Geely Automobile Holdings Ltd. cũng ghi nhận doanh số ấn tượng khi bán được 226.686 xe trong tháng 10, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xpeng, nổi tiếng với công nghệ lái xe tự động, đã giao 23.917 xe điện cho khách hàng đại lục vào tháng 10, viết lại kỷ lục bán hàng trong tháng thứ hai liên tiếp khi lượng xe giao vượt qua tháng 9 là 12%.
Leapmotor, được Stellantis hậu thuẫn, đã bán được 38.177 xe vào tháng 10, tăng 13,1% so với tháng 9, ghi nhận tháng kỷ lục thứ năm liên tiếp.
Zeekr, nhà sản xuất ô tô điện cao cấp do Geely Auto kiểm soát, đã báo cáo 25.049 xe giao vào tháng 10, cao hơn 17,4% so với kỷ lục trước đó một tháng.
"Trong tương lai gần, thị trường Trung Quốc vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho các nhà sản xuất xe điện hàng đầu của đất nước như BYD", Chen Jinzhu, CEO của công ty tư vấn Shanghai Mingliang Auto Service cho biết. "Nhưng thị trường trong nước sớm muộn gì cũng sẽ bão hòa, thúc đẩy các công ty hàng đầu đẩy nhanh quá trình vươn ra toàn cầu".