Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chuyển đổi số!

11:43 07/10/2022

Theo Quyết định số 505 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/10 hằng năm sẽ là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, tạo dấu mốc giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tất yếu nằm trong lộ trình này.

Công tác chuyển đổi số giờ đã lan tỏa vào mọi lĩnh vực, nhóm đối tượng và tổ chức trong xã hội.
Công tác chuyển đổi số giờ đã lan tỏa vào mọi lĩnh vực, nhóm đối tượng và tổ chức trong xã hội.

Ghi nhận từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, xu thế vận động của xã hội ngày càng đề cao vai trò số hóa, ứng dụng CNTT, nhằm tăng hiệu suất đầu tư, hiệu quả quản lý ở các tổ chức, phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Lựa chọn chuyển đổi số là cần thiết, trực tiếp cải thiện những bất cập trong công tác tổ chức quản lý xã hội, hướng bộ máy hành chính vào đúng mục tiêu phục vụ công ích, và tạo thuận lợi phát triển đất nước. Khi chủ trương này chuyển hóa sâu vào mọi lĩnh vực xã hội, có sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội, con đường phát triển, chấn hưng quốc gia sẽ càng thêm mạnh mẽ.

Việt Nam được xem là quốc gia chủ động chuyển đổi số từ ban đầu, và đến nay, công tác này hiện hữu trong mọi hoạt động bộ ngành, tỉnh thành. Do đó, nâng cao hơn nữa nhận thức cộng đồng, cuốn hút được tất cả lĩnh vực xã hội tham gia, là vấn đề các tỉnh thành, cấp ngành phải cùng chung sức thực hiện. Tiếp đó, là chính các lực lượng kinh tế, xã hội, các nghiệp đoàn, ngành nghề, các tổ chức phải thực sự xác định lộ trình tiến bộ không thể không tiến hành chuyển đổi số một cách toàn diện và chắc chắn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong xu thế chung đó, cần mạnh dạn tham gia chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cần định vị rõ yêu cầu chuyển đổi số trong cơ cấu tổ chức, vận hành của mình, để tận dụng được tối đa những cơ hội mà công cuộc số hóa quốc gia mang lại.

Về tổ chức, chuyển đổi số chính là quy trình thay đổi cơ cấu, phương cách hành động của doanh nghiệp, với người lãnh đạo phải “chuyển” dịch tư tưởng, quan điểm đúng tình hình hơn, người thừa hành phải thay “đổi” cung cách, năng lực làm việc hiệu quả hơn, và quy trình kết hợp giữa lãnh đạo – thừa hành phải dựa vào các thành quả CNTT số hóa, để có ứng dụng chất lượng và tiết kiệm nhất.

Về thực hành, chuyển đổi số phải được vận dụng toàn vẹn trong cơ cấu doanh nghiệp, giúp cải thiện, sửa đổi những quy trình, phương pháp vốn có theo hướng hoàn bị, chặt chẽ và an toàn hơn. Công tác số hóa phải đi vào thực chất từng bộ phận hoạt động của doanh nghiệp, không là hình thức phong trào gây lãng phí.

Về kết quả, chuyển đổi số phải góp phần tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao tầm nhìn, sứ mệnh thương hiệu, sắp xếp hiệu quả bộ máy nhân lực, tạo chuỗi vận hành chất lượng cho doanh nghiệp, lợi nhuận cao hơn, chi phí hợp lý hơn.

Đây thực sự cũng chính là những mục tiêu quan trọng, mà các doanh nghiệp nhất định phải thấy rõ, trong chiến lược phát triển, hội nhập kinh tế ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ của mình.

Nguyên Đức