Doanh nghiệp nước ngoài cố gắng nắm bắt cơ hội ở Trung Quốc

10:41 28/09/2021

Các công ty nước ngoài cố gắng nắm bắt cơ hội sinh lợi ở Trung Quốc ngay cả khi các quy định ngày càng thắt chặt và hoạt động quốc tế trở nên khó khăn hơn do ảnh hưởng của đại dịch.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Getty Images) 

Trong khi các doanh nghiệp từng bước theo sát mọi động thái của cuộc đàn áp diện rộng đối với các gã khổng lồ công nghệ nội địa, chính phủ Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa hơn nữa đối với nguồn vốn nước ngoài. Chỉ trong vài tuần gần đây, chính quyền địa phương ở các thành phố Bắc Kinh và Thâm Quyến đã theo dõi và công bố những lợi ích mới cho vốn nước ngoài tại khu vực Hải Nam, đặc biệt ở các quận phát triển. Các chính sách thân thiện với doanh nghiệp tương tự đã được triển khai trong quá khứ, thu về nhiều kết quả khác nhau. Adam Dunnett, Tổng thư ký tại Phòng Thương mại EU ở Trung Quốc cho biết: “Sự khác biệt chính nằm ở mục tiêu. Bây giờ doanh nghiệp phải chứng minh rằng họ có thứ gì đó mà Trung Quốc mong muốn hoặc Trung Quốc không coi họ là đối thủ cạnh tranh với lợi ích và nhu cầu quốc gia”.

Chính quyền Trung Quốc đã khởi động kế hoạch phát triển 5 năm mới nhất trong năm nay, đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về tiến bộ công nghệ trước áp lực gia tăng từ Hoa Kỳ. Đồng thời, Bắc Kinh cũng muốn xây dựng nền kinh tế dựa vào tiêu dùng nội địa, thay vì xuất khẩu. Ông Dunnett chỉ ra: “Theo cách chúng tôi nhìn nhận, một số công ty sẽ bị đẩy khỏi thị trường nhưng họ sẽ đấu tranh chừng nào có thể. Một số khác có khả năng cung cấp và sẵn sàng cung ứng bởi Trung Quốc là một thị trường tốt, những doanh nghiệp này sẽ cố gắng để giữ vững càng lâu càng tốt. Còn thẳng thắn mà nói, những đối tượng đang ở trong lĩnh vực không được coi là ‘nhạy cảm’ sẽ không chịu nhiều biến động”.

Khi nói đến môi trường hoạt động tổng thể, các nhà lãnh đạo của các nhóm lợi ích kinh doanh Mỹ và châu Âu ở Trung Quốc cho hay, các thành viên chưa nhận thấy tiến bộ đáng kể thông qua lời kêu gọi từ thời cựu tổng thống Trump nhằm tiếp cận bình đẳng hơn. Một báo cáo công bố hôm thứ năm của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc đặc biệt lưu ý rằng các chính sách mua sắm của chính phủ vẫn ưu tiên các doanh nghiệp trong nước hơn các doanh nghiệp nước ngoài. Cuộc đàn áp theo quy định của Bắc Kinh là một quyết định khó lường. Tháng 7, chính quyền Trung Quốc ra lệnh cho ứng dụng gọi xe Didi tạm dừng đăng ký người dùng mới chỉ vài ngày sau khi IPO ở New York và yêu cầu các công ty dạy thêm cắt giảm giờ hoạt động. Các công ty từ Tal Education đến Tencent đều chứng kiến ​​cổ phiếu lao dốc. Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Bắc Kinh chia sẻ: “Cuối cùng, chúng tôi đã chứng kiến ​​một số cuộc đàn áp đối với toàn bộ lĩnh vực và theo những cách không thể hiểu được cũng như không đoán trước được. Tất nhiên, các doanh nghiệp cần sự ổn định và cả khả năng dự đoán”.

Thách thức cấp bách khác đối với các doanh nghiệp lúc này là xin thị thực cho lãnh đạo cấp cao và gia đình sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Gilligan chỉ ra: “Các chính sách hạn chế đi lại đang trực tiếp tác động tiêu cực đến các quyết định đầu tư nước ngoài”. Cơ quan kế hoạch kinh tế quốc gia của Trung Quốc đã thừa nhận lực cản này đối với đầu tư tại một cuộc họp báo trong tháng với chủ đề khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không đề cập đến hỗ trợ đi lại cho nhân lực quốc tế mà đưa ra những tuyên bố chung chung về nới lỏng các hạn chế đối với vốn nước ngoài.

Sự phát triển vượt bậc đã nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài đã phàn nàn trong nhiều năm về vấn đề nhận được yêu cầu chuyển giao công nghệ độc quyền vào nội địa Trung Quốc để có thể hoạt động tại đây. Chính quyền Trung Quốc cũng cấm các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong các ngành công nghiệp nhạy cảm hoặc buộc phải liên doanh với các công ty địa phương. Tuy nhiên, chính phủ đất nước tỉ dân cũng gỡ bỏ nhiều hạn chế này trong những năm gần đây, đáng chú ý nhất là lĩnh vực tài chính và ô tô. Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc gọi với các phóng viên rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã hoan nghênh việc sản xuất nhiều hơn đối với châu Âu trong hai năm qua: “Họ không ngại việc một đơn vị nước ngoài làm nguồn cung ứng, miễn là doanh nghiệp này ở trong phạm vi ‘Vạn Lý Tường Thành’ của Trung Quốc”.

Cơ hội

Chính sách “Two Zones” được triển khai vào năm ngoái tại thủ đô Bắc Kinh đã loại bỏ các hạn chế địa phương đối với quyền sở hữu nước ngoài của các doanh nghiệp bảo dưỡng hàng không. Liu Meiying, Phó Giám đốc “Two Zones” cho biết tại một diễn đàn do tổ chức Trung tâm think tank về Trung Quốc và Toàn cầu hóa vào đầu tháng 9 rằng, chính sách này đã giảm một nửa số tài sản yêu cầu đối với công ty mẹ của một công ty đầu tư nước ngoài mới hoạt động xuống còn 200 triệu đô la và đây là khu vực duy nhất trong cả nước cho phép đầu tư nước ngoài vào sản xuất nghe nhìn.

Cũng vào đầu tháng 9, chính quyền trung ương thông báo khu thương mại tự do Qianhai nối thành phố Thâm Quyến với Hồng Kông sẽ mở rộng gấp 8 lần, lên 120,56 km vuông. Việc mở rộng trung tâm tài chính vốn là trụ sở của UBS và HSBC, diễn ra khi đại lục tăng cường kiểm soát đối với Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu. Klaus Zenkel, Tổng Giám đốc tại Imedco Technology kiêm Phó Chủ tịch Chi hội của Phòng Liên minh châu Âu ở miền Nam Trung Quốc, bày tỏ sự lạc quan về các kế hoạch cho Qianhai, chẳng hạn như cấp cho khu vực này quyền tự chủ hành chính ở mức độ cao. Thế nhưng, vẫn chưa chắc chắn các kế hoạch được triển khai thế nào, hiệu quả ra sao.

Luật mới yêu cầu tuân thủ nhiều hơn

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và quy mô khổng lồ của Trung Quốc vẫn là một thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, bất kể mạng lưới chồng chéo các chính sách và quy định của chính phủ. Dữ liệu chính thức cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài phi tài chính vào Trung Quốc đã tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước tính theo đô la Mỹ trong 8 tháng đầu năm lên 113,78 tỷ đô la.

Matt Marguiles, Phó Chủ tịch phụ trách các hoạt động của Trung Quốc tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc cho hay: “Cơ hội thị trường rất hấp dẫn. Hầu hết các công ty đang ở lại vị trí của họ hoặc đang phát triển”. Nhưng Marguiles nhấn mạnh việc tuân thủ các quy định có xu hướng gia tăng do hàng hoạt luật mới ra đời, chẳng hạn như luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Zenkel của Phòng Liên minh Châu Âu cho biết: “Có một số lo ngại về bảo mật dữ liệu, một số luật ở châu Âu cũng như ở Trung Quốc. Trong trường hợp của chuỗi cung ứng, có những hạn chế đối với cả hai bên cần phải được tuân thủ”.

TL