Doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao được ưu tiên tiếp cận đất sản xuất Thông điệp và kỳ vọng mới từ Nghị quyết số 68-NQ/TW |
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM) đánh giá cao dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng đây là bước thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, nhằm đưa đất nước bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển. Ông nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp 51% GDP, 33% tổng thu ngân sách Nhà nước và 55% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, cho thấy vai trò không thể thay thế của khu vực này trong nền kinh tế. Để đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030.
![]() |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM) đánh giá cao dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân |
Theo ông Trần Hoàng Ngân, cần có những giải pháp đột phá và cơ chế bảo vệ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa – lực lượng đang tạo ra hơn 60% việc làm và đóng góp gần 45% GDP cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi chính sách chưa theo kịp, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn dễ bị tổn thương ngay trên chính mảnh đất mình gây dựng, như trường hợp cụm công nghiệp Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) là một minh chứng rõ nét.
Trên nền đất từng bị bỏ hoang, ô nhiễm bởi rác thải công nghiệp, người dân Thụy Lâm đã cải tạo thành vùng canh tác sạch, bền vững. Từ mô hình Hợp tác xã Văn Hiến, Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến Nông sản Thụy Lâm (APCO) ra đời với kỳ vọng phát triển nhà máy chế biến nếp cái hoa vàng – đặc sản địa phương – phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, khi chưa kịp hoàn tất giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp này đã phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi khu đất đang sản xuất do bất cập từ thông tin quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp Thụy Lâm.
![]() |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được bảo vệ khỏi xung đột quy hoạch (Ảnh: Phan Chính) |
Chỉ trong vòng 15 ngày từ khi có Thông báo số 6584/TB-UBND ngày 6/5/2025 của UBND huyện Đông Anh, toàn bộ khu vực mở rộng đã được mời gọi đầu tư mà thiếu minh bạch thông tin. Không công bố đầy đủ trên cổng thông tin điện tử, nơi tiếp nhận hồ sơ không có cán bộ hướng dẫn, các phòng ban chức năng không nắm rõ quá trình triển khai – khiến doanh nghiệp như APCO, dù đã có hơn 3.000 m² đất hợp pháp và đang tiến hành nhận chuyển nhượng thêm 6.000 m², rơi vào thế bị động, mất quyền chủ động trong đầu tư.
Thực trạng tại Thụy Lâm không phải cá biệt. Theo phản ánh, cụm công nghiệp này từng tồn tại nhiều vi phạm như san lấp bằng phế thải xây dựng khi chưa có quyết định giao đất, vận hành trạm bê tông không phép gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tỉ lệ lấp đầy chỉ dưới 60%, chưa đáp ứng điều kiện mở rộng theo Điều 8, Nghị định 32/2024/NĐ-CP.
Trước tình trạng đó, Nghị quyết 198/2025/QH15 – được Quốc hội thông qua ngày 17/5/2025 – đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, nhằm tạo cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Cụ thể, doanh nghiệp được ưu tiên tiếp cận đất đai, tín dụng, đấu thầu và các chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả của nghị quyết sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khâu thực thi ở cấp địa phương.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất cần tách bạch rõ các loại trách nhiệm pháp lý – hành chính – dân sự – hình sự để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, đồng thời đề nghị các địa phương có tiềm năng đất đai cần chủ động quy hoạch và phát triển hạ tầng công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với giá thuê hợp lý. Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng lưu ý, việc ép buộc "dành một phần diện tích" khu công nghiệp cho doanh nghiệp công nghệ cao nếu không khả thi sẽ gây lãng phí đất đai và tạo thêm áp lực thực thi cho địa phương.
Trong bối cảnh đó, Văn bản số 806/UBND-KT ngày 08/3/2025 của UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cụm công nghiệp, hạn chế tình trạng "chạy" quy hoạch hoặc lợi dụng giai đoạn chuyển tiếp để trục lợi.
Câu chuyện tại Thụy Lâm cho thấy, dù chính sách có đột phá đến đâu, nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ, công khai minh bạch, thì doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc vẫn có thể bị gạt ra ngoài bởi nhóm lợi ích. Để bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa – xương sống của nền kinh tế – cần sự đồng hành thực chất từ chính quyền các cấp, không để lặp lại những bất công trên chính phần đất họ đã dày công khai phá và đầu tư.