Doanh nghiệp "ngó lơ" quyền sử dụng hạn ngạch nhập khẩu 72 xe ô tô đã qua sử dụng

07:13 16/04/2021

Năm 2021, theo cam kết tại Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch nhập khẩu 72 xe ô tô đã qua sử dụng.

Liên quan đến nội dung này, thông tin mới nhất từ Bộ Công thương khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên: không một doanh nghiệp nào quan tâm đăng ký đấu giá quyền nhập khẩu này. Đáng nói là trên thực tế, thị trường xe nhập khẩu đã qua sử dụng vẫn khá sôi động.

Thị trường mua bán, trao đổi ô tô đã qua sử dụng vẫn luôn sôi động

Thị trường mua bán, trao đổi ô tô đã qua sử dụng vẫn luôn sôi động.

Trước đó, ngày 9/3, Hội đồng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng phát đi thông báo về việc tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng năm 2021.

Việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng năm 2021 theo cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hội đồng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng (Bộ Công Thương) đã thông báo về việc tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng năm 2021 theo cam kết trong Hiệp định CPTPP và tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các thương nhân kể từ ngày 8/3/2021 đến 17h ngày 24/3/3021.

Số lượng cụ thể bao gồm 72 xe ô tô đã qua sử dụng (HS: 87.02, 87.03, 87.04), trong đó có 36 xe có dung tích động cơ trên 3.000 cm3 và 36 xe ô tô có dung tích động cơ từ 3.000cm3 trở xuống.

Tuy nhiên đến hết thời hạn nêu trên, Hội đồng đấu giá không nhận được bộ hồ sơ nào đăng ký tham gia đấu giá. Hội đồng đấu giá không nhận được bộ hồ sơ nào đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, Hội đồng đấu giá thông báo không tổ chức Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng năm 2021 theo cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Hiện nay thị trường xe đã qua sử dụng chủ yếu là mua đi bán lại trong nước, tuy nhiên vẫn có khách hàng thích mua xe đã qua sử dụng nhập khẩu.

Theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Việt Nam cho phép nhập khẩu xe đã qua sử dụng trên 5 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu. Tuy nhiên, các loại thuế tính với loại xe này (gồm thuế NK, thuế TTĐB, thuế GTGT) khi về đến Việt Nam khá cao, nên không rẻ hơn xe mới, thậm chí còn đắt hơn đối với một số dòng xe.

Nguồn cung cho thị trường xe đã qua sử dụng nhập khẩu chủ yếu qua việc mua lại tiêu chuẩn ngoại giao của các đối tượng ngoại giao được phép nhập khẩu xe vào Việt Nam sử dụng, sau khi về nước bán lại; hoặc mua “suất” ngoại giao.

Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuộc diện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định CPTPP theo Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ quy định Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, xe phải đáp ứng các điều kiện đã đăng ký lưu hành tại các quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam. Đồng thời phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định.

Hàng hóa phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định CPTPP.

Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP và phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ khi làm thủ tục nhập khẩu.

Được biết năm 2020, năm đầu tiên tổ chức phiên đấu giá 66 xe ô tô đã qua sử dụng theo Hiệp định CPTPP đã có 2 doanh nghiệp có hồ sơ đấu giá, đơn giá, bỏ giá hợp lệ, Công ty TNHH The King F&B trúng đấu giá 10 chiếc ô tô, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Thương mại Long Biên trúng đấu giá 5 chiếc ô tô.

Việc năm nay các doanh nghiệp không quan tâm đấu thầu hạn ngạch NK ô tô đã qua sử dụng là một điểm khá lạ trong bối cảnh thị trường ô tô đang sôi động, nhu cầu mua bán cao.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Singapore, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Việt Nam.

Hiệp định đã được ký kết ngày 08/3/2018 tại thành phố Santiagô, Chi-lê, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/01/2019.

H. An