Doanh nghiệp chú trọng đầu ra và tung hàng loạt phương thức kích cầu tiêu dùng mới

21:33 03/03/2023

Trước cảnh sức mua trên thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã tung hàng loạt phương thức kích cầu tiêu dùng mới. Đặc biệt, những đơn vị này còn chú trọng hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chung trong tháng 2/2023 của thành phố giảm so với tháng 1/2023, nhưng vẫn có mức tăng so với tháng 2/2022. Nguyên nhân là do bước sang tháng 2/2023, hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí giảm nhiệt đã kéo theo doanh thu bán lẻ hàng hóa, lưu trú ăn uống cũng như du lịch lữ hành có mức giảm khá cao.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 2/2023 đạt 52.133 tỷ đồng, chiếm 60,8% trong tổng mức, giảm 8,3% so với tháng trước. Cộng dồn hai tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 108.964 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Theo các nhà bán lẻ, doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh, năm 2023, cũng là năm mà kinh tế Việt Nam dự báo vẫn duy trì tăng trưởng tốt, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, riêng mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dự đoán ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế. Một số đơn vị cũng thận trọng công bố mục tiêu doanh số như Saigon Co.op phấn đấu mục tiêu doanh số 2023 tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết thêm, ngay từ đầu năm 2023, doanh nghiệp đã tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hoá - chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh; số hoá trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị; đẩy mạnh, đa dạng hoá thương mại điện tử. Cùng với đó, Saigon Co.op sẽ tăng cường đầu tư cho khách hàng, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá dịch vụ chăm sóc khách hàng; nâng cao hiệu quả các mô hình bán lẻ; chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho hoạt động logistics.

Đại diện PNJ cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, PNJ đã khởi động nhiều chương trình bán hàng nhằm thu hút các đối tượng khách hàng mục tiêu như chương trình Thần Tài thu hút nhiều lượt tham gia “Thử thách Lắc Tài Lộc’’. Tính đến cuối tháng 1/2023, hệ thống PNJ có 365 cửa hàng tại 55/63 tỉnh, thành. Trong tháng 1/2023, PNJ cũng đạt được doanh thu thuần là 4,129 tỷ đồng, tăng 18.8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 302 tỷ đồng, tăng 11.8% so với cùng kỳ.

Đánh giá về thị trường bán lẻ trong năm 2023, chuyên gia cũng chỉ ra rằng, công nghệ chính là “chiếc chìa khóa” mở cửa đến sự phát triển bền vững của thị trường trong tương lai. Do đó, đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phân phối, bán lẻ cần nỗ lực chủ động nắm bắt và đón đầu xu hướng công nghệ để tạo sự thuận tiện và ngày càng hoàn thiện khâu trải nghiệm của khách hàng. 

Ở góc độ ngành logistics, ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express chia sẻ, nắm bắt xu thế thị trường, J&T Express đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ trong khâu vận hành, tự động hóa trong quản lý kho bãi... Đặc biệt, J&T Express thực hiện khâu giao nhận kết hợp với thiết bị công nghệ giúp theo dõi toàn bộ các quy trình xuất, nhập, luân chuyển hàng hóa một cách tối ưu nhất, giảm thiểu chi phí vận hành, tiết kiệm nguồn lực.

Tại khâu tiếp nhận đơn hàng của J&T Express, thông tin khách hàng mã hóa dưới dạng mã vạch thông minh (barcode) và đồng bộ, lưu trữ trên điện toán đám mây (Cloud computing). Công nghệ này đảm bảo độ chính xác, bảo mật thông tin đồng thời rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn hàng ngay từ khâu đầu tiên trong quy trình. 

Hơn thế nữa, doanh nghiệp còn chủ động tạo sự thuận lợi cho tam giác người bán - shipper - người mua khi giúp tinh giản quy trình thanh toán qua việc quét mã QR động trên thiết bị điện thoại của shipper. Mọi thông tin chi tiết về đơn hàng như loại hàng hóa, số tiền cần thanh toán sẽ tự động hiển thị mà không cần nhập thủ công. 

Còn một số doanh nghiệp khác trong ngành logistics cũng cho rằng, với bối cảnh thách thức đan xen, ngành hậu cần vận tải được nhận định là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong việc kết nối chuỗi cung ứng phân phối, bán lẻ. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng này, cần ứng dụng công nghệ tự động hóa để tối ưu quy trình vận hành, bắt nhịp xu thế công nghệ toàn cầu mới tạo nên sự bền vững dài lâu trong bán lẻ, logistics.

Ngọc Phi (TH)