Doanh nghiệp cần biết: Những dự án không được thực hiện tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

06:03 05/04/2021

Khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản và Nghị định 51/2021/NĐ-CP.

Bảo vệ nghiêm ngặt khoáng sản tại khu vực dự trữ quốc gia

Ngày 01/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản và Nghị định 51/2021/NĐ-CP
Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản và Nghị định 51/2021/NĐ-CP. (Ảnh: minh họa H.Võ)

Nghị định quy định việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia; quản lý, bảo vệ khoáng sản và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi chung là dự án đầu tư) tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Cụ thể, Điều 7 của Nghị định quy định khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản và Nghị định 51/2021/NĐ-CP.

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại các khu vực đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm: (1) Bảo vệ khoáng sản trong phạm vi khu vực triển khai dự án theo quy định; (2) Nghiêm cấm lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình để khai thác khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Trường hợp vi phạm quy định tại (2) nêu trên, ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và khối lượng khoáng sản bị khai thác trái phép, chủ đầu tư dự án còn bị đình chỉ có thời hạn việc thực hiện dự án đầu tư hoặc bị thu hồi quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 51/2021/NĐ-C nêu rõ không thực hiện các dự án đầu tư sau đây tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia: Các dự án đầu tư có mục đích sử dụng đất lâu dài, trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng;

Các công trình xây dựng thuộc cấp công trình đặc biệt, cấp I theo quy định pháp luật về xây dựng, trừ dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải có đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản đã được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc phạm vi dự án; phải có giải pháp bảo vệ loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Về bồi thường thiệt hại khi thu hồi dự án đầu tư, Nghị định nêu rõ, trường hợp Thủ tướng Chính phủ giảm diện tích khu vực dự trữ, giảm thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc dự án quan trọng quốc gia mà ảnh hưởng trực tiếp đến dự án đầu tư thì chủ đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan.

Nhà nước không chịu trách nhiệm đền bù cho chủ đầu tư dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi đã hết thời gian dự trữ khoáng sản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia tối đa là 50 năm theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp đặc biệt, đối với một số khu vực, một số loại khoáng sản đặc thù, thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia có thể lớn hơn 50 năm nhưng không quá 70 năm, do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã phê duyệt được thực hiện một trong các trường hợp sau đây: Bổ sung vào danh mục khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi có phát hiện mới về khoáng sản đáp ứng quy định;

Đưa ra khỏi danh mục một phần hay toàn bộ khu vực khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trong trường hợp để bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản có liên quan theo quy định hoặc để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Nghị định số 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

UBND cấp tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản
UBND cấp tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản. (Ảnh: minh họa)

Theo Nghị định này, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác. Đối với từng nhóm, loại khoáng sản được quy định cụ thể tại bảng sau:

Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn: Cát, sỏi, sạn lòng sông, suối, bãi bồi; sét gạch ngói R(%)=5; Các loại vật liệu xây dựng thông thường còn lại (trừ nguyên liệu sản xuất cát nghiền) R(%)=3; Than bùn và  Nguyên liệu sản xuất cát nghiền R(%)=1.

Nhóm khoáng sản nhiên liệu: Than các loại (trừ than bùn) R(%)=2.

Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng và khoáng chất công nghiệp: Đá khối làm ốp lát các loại; Đá hoa trắng, đá silic sản xuất bột siêu min; Đá vôi, đolomit dùng trong công nghiệp có R(%)=1.

Cát trắng, sét chịu lửa, caolin, diatomit; Sét nguyên liệu xi măng; Khoáng sản vật liệu xây dựng và khoáng chất công nghiệp còn lại có  R(%)=2. Đá vôi nguyên liệu xi măng có R(%)=3.

Nhóm khoáng sản kim loại: Quặng gốc thiếc, wonfram, antimoan, niken; Vàng, bạc đi kèm khoáng sản khác có R(%)=1.

Sắt, mangan, titan; Sa khoáng thiếc, wonfram, cromit; Quặng gốc vàng, bạc; Các loại khoáng sản kim loại khác có R(%)=2. Đất hiếm có R(%)=2.

Nhóm khoáng sản đá quý, đá trang trí mỹ nghệ gồm Đá quý có R(%)=2 và Đá bán quý, đá trang trí mỹ nghệ có R(%)=1.

Nhóm khoáng sản nước nóng, nước khoáng và khí CO2 có R(%)=1.

Nghị định cũng nêu rõ căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính trên các căn cứ theo công thức sau: T = Q x G x K1 x K2 x R

Trong đó:

T- Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính đồng Việt Nam;

Q - Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đơn vị tính là m3, tấn; kg và các đơn vị khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản;

G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trị giá đơn vị khoáng sản nguyên khai, sau khai thác, được xác định trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng;

K1 - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác, được quy định: Khai thác lộ thiên K1= 0,9; khai thác hầm lò K1= 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K1= 1,0;

K2 - Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn áp dụng theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định về pháp luật đầu tư: Khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, K2= 0,9; khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế- xã hội khó khăn, K2= 0,95; các khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng còn lại, K2= 1,0;

R - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là phần trăm (%).

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, kiểm tra, tổ chức tính, thẩm định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản.

H. An