Tạp chí Doanhnghiephoinhap.vn giới thiệu tới quý độc giả, đặc biệt là những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp những kiến thức cơ bản về đăng kiểm ô tô tại Việt Nam, các quy định của pháp luật và mức xử phạt khi vi phạm.
Đăng kiểm xe ô tô
Đăng kiểm xe ô tô được xem là một thủ tục bắt buộc theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đối với những ai đang sở hữu xe ô tô tại Việt Nam. Theo đó, tùy theo từng loại xe, năm sản xuất cơ quan chuyên ngành đăng kiểm sẽ đưa ra các tiêu chí kiểm định theo chu kỳ thời gian cụ thể để đánh giá xem liệu xe có đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật hay không?
Quá trình đăng kiểm xe ô tô, các Trung tâm đăng kiểm sẽ thực hiện việc kiểm tra chất lượng xe có đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật như hệ thông phanh (thắng), hệ thống lái và mức độ bảo vệ môi trường hay không. Đây là quy trình quan trọng và bắt buộc chủ sở hữu xe phải thực hiện trước khi đăng ký xe mới hoặc đảm bảo xe được lưu thông tiếp tục dành cho việc mua lại xe cũ.
Nếu đạt, chủ sở hữu xe được cấp hoặc gia hạn giấy đăng kiểm xe trước đó.
Nếu không đạt, chủ sở hữu xe bắt buộc phải hoàn thiện những lỗi chưa đạt thì mới được cấp giấy đăng kiểm xe.
Chu kỳ đăng kiểm xe ô tô
Bên cạnh yêu cầu nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành về vận hành xe ô tô, các kiến thức kỹ năng sử dụng ô tô thi cá nhân hay doanh nghiệp sở hữu xe cần phải nắm rõ chu kỳ đăng kiểm xe ô tô.
Nắm rõ chu kỳ đăng kiểm đối với chiếc xe đang sở hữu giúp chủ sở hữu tránh việc bị phạt khi đăng kiểm muộn.
Hiện nay, chu kỳ kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang được thực hiện theo các quy định tại khoản 2, Điều 9 Thông Tư 70/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Thông tư này quy định chi tiết về chu kỳ thời gian kiểm định đối với các xe ô tô cũng như các phương tiện cơ giới đường bộ dựa theo 3 yếu tố chính gồm: loại ô tô, số chỗ ngồi và mục đích sử dụng xe.
Đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải, chu kỳ kiểm định lần đầu là 30 tháng. Khi đã hoàn thành đăng kiểm lần đầu, các mốc đăng kiểm kế tiếp được quy định dựa vào năm sản xuất của xe. Trong đó, xe sản xuất dưới 7 năm có chu kỳ kiểm định được quy định là 18 tháng. Những xe sản xuất từ 7 năm đến 12 năm có chu kỳ là 12 tháng và những xe sản xuất trên 12 năm có chu kỳ kiểm định là 6 tháng.
Ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh dịch vụ vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ sẽ được chia ra thành 2 loại.
Cụ thể, đối với các loại ô tô chưa cải tạo (tức là chưa thay đổi tính năng sử dụng hay chưa thay đổi các hệ thống như lái, phanh, trừ trường hợp lắp thêm bàn đạp phanh phụ) treo và truyền lực… sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 18 tháng, chu kỳ kế tiếp sẽ là 6 tháng/lần.
Trường hợp ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh dịch vụ vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ có cải tạo lại sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 12 tháng và tiếp theo cũng sẽ là 6 tháng/lần.
Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên, ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên sẽ có chu kỳ đăng kiểm ngắn nhất là 3 tháng/lần.
Thông thường cơ quan chức năng chỉ công bố thông tin hết hạn đăng kiểm xe cơ giới trên bảng thông báo đặt tại sở giao thông vận tải tỉnh/thành phố hoặc website (nếu có). Do đó, chủ xe cần chủ động sắp xếp đưa xe đi đăng kiểm lại khi đến hạn.
Cần lưu ý, chu kỳ đầu chỉ áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng kiểm định lần đầu trong thời gian 02 năm, tính từ năm sản xuất. Số chỗ trên ô tô chở người bao gồm cả người lái.
Trần Linh