Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, dư nợ cho vay HTX đang giảm, đến cuối năm 2022 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ.
Đáng nói, thời hạn cho vay chủ yếu là ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (67%), cho vay trung và dài hạn chỉ chiếm 33%.
Về thực trạng chung của các HTX dẫn đến kết quả tín dụng chưa cao, ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho biết, theo quy định để được vay vốn, HTX phải có dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình khảo sát cho thấy, đa số HTX hoạt động lỗ trên sổ sách kế toán. Bên cạnh đó, HTX chưa quen sử dụng hóa đơn chứng từ theo đúng quy định của Nhà nước. Theo Luật HTX, khi HTX đầu tư phải nộp thuế VAT. Trong khi đó, để vay được vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX rẻ được vài % lãi suất, nhưng lại phải nộp 10% thuế VAT, nên HTX đang định vay sẽ không vay nữa.
Về tài sản thế chấp, nhiều HTX không có tài sản chung, thậm chí nhiều HTX kiểu mới không có trụ sở, nên phải lấy tài sản của một thành viên HTX để thế chấp, nhưng một số thành viên trong gia đình không đồng thuận nên việc vay vốn thế chấp của HTX rất khó.
Ngoài ra, quá trình khảo sát các HTX ở vùng sâu vùng xa cho thấy, nhiều HTX phải thuê kế toán, hạch toán, báo cáo tài chính không theo quy định. Trong khi đó, các ngân hàng cho vay doanh nghiệp quy định phải có báo cáo kiểm toán độc lập. Đây là khó khăn để các ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho vay.
Theo TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, để hỗ trợ tài chính cho HTX hình thành và phát triển, Nhà nước có thể sử dụng chính sách thuế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi…, hay dùng một phần ngân sách để tạo lập một hệ thống các quỹ hỗ trợ tài chính. Các HTX vay vốn từ các TCTD bằng hình thức thế chấp (trong đó được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay), tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
PV (t/h)