Đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Động thái đi ngược với các quy định pháp luật

06:28 08/04/2021

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam lại tái đề xuất áp giá sàn vé máy bay. Đáng nói là nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay, hành khách sẽ mất đi cơ hội “bay” với giá rẻ và vi phạm Luật Cạnh tranh...

Đề xuất kiểu "anh hùng nhất khoảnh"

Mới đây, tại buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đã lại một lần nữa đưa ra đề xuất áp giá trần và giá sàn vé máy bay.

So với các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines có nhiều điều kiện thuận lợi để vực lại hoạt động của doanh nghiệp sau dịch bệnh

So với các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines có nhiều điều kiện thuận lợi để vực lại hoạt động của doanh nghiệp sau dịch bệnh. (Ảnh: minh họa: Trần Linh)

Cụ thể, với giá trần, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500km đến 1.280km trở lên. Giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500km.

Với giá sàn, theo phương án thứ nhất, Vietnam Airlines đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019. Theo đó, giá sàn cho các đường bay dưới 500km là 414.000 đồng; 570.000 đồng các đường bay 500 - 850km; 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000km; 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.280km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280 km trở lên.

Phương án áp giá sàn thứ hai của Vietnam Airlines đưa ra là bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500km cho đến 1.280km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc tái đề xuất về giá vé, Vietnam Airlines còn mong muốn có thêm hỗ trợ để doanh nghiệp này phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia. Vietnam Airlines đề nghị cần xây dựng quy chế để đảm bảo được cấp hơn 50% lượng slot bay và thương quyền được phân bổ.

Hãng muốn được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia, cũng như được chỉ định thực hiện các hoạt động quảng bá điểm đến, đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước.

Đồng thời, Vietnam Airlines cũng xin được thực hiện nghiệp vụ sale & leaseback (bán và thuê lại) với 50% số lượng máy bay trong đội tàu bay.

Năm 2017, Vietnam Airlines từng đòi áp giá sàn từ 600.000 - 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay gây phản ứng trái chiều, sau đó Bộ Giao thông vận tải kết luận không đồng ý áp giá sàn.

Những hệ lụy nhãn tiền

Trước tiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, chính sự cạnh tranh sôi động giữa 6 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Pacific Airines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và VASCO... đã giúp người dân có cơ hội mua được vé máy bay giá rẻ, phù hợp với thu nhập của đa số khách hàng.

Nếu thực hiện áp giá sàn vé máy bay, khách bay nội địa sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng

Nếu áp giá sàn vé máy bay, khách bay nội địa sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng. (Ảnh: minh họa: Trần Linh)

Mức giá sàn hiện nay là 0 đồng, như vậy, nếu kiến nghị của Vietnam Airlines thành hiện thực thì "thị trường bay" sẽ không còn giá vé 0 đồng, 79.000 đồng... như nhiều hãng từng tung ra khuyến mãi. Hàng triệu khách hàng sẽ mất đi những cơ hội để "bay" và du lịch với giá vé rẻ hơn mong đợi!

Và theo đó, hàng vạn doanh nghiệp ngành du lịch cũng "lãnh đủ" những hệ lụy không mong muốn!

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng trong tình hình mới hiện nay, đặc biệt là khi dịch Covid-19 đã được khống chế trên phạm vi cả nước, thêm vào đó là "hộ chiếu vắc-xin" đang khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng nhanh. Hơn nữa, số lượng các hãng hàng không còn ít so với nhu cầu đi lại, vì thế nếu để các hãng tăng giá trần và áp giá sàn thì rất có thể xảy ra tình huống ở những dịp cao điểm các hãng sẽ "bắt tay làm giá" để "ép" khách hàng.

Ở một góc nhìn khác, động thái tái đề xuất tăng giá trần, đặc biệt là áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines rõ ràng sẽ hạn chế các chương trình kích cầu, làm khó cho các hãng bay khác.

Lẽ đương nhiên, giá cả là yếu tố quyết định mạnh nhất vào nhu cầu tiêu dùng. Trong tình hình ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay thì nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ là phải làm thế nào đểcó những giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất mà vẫn có thể đưa ra các gói giá khuyến mãi kích cầu cùng chương trình quốc gia. Nếu giá vé tăng lên thì ngành hàng không liệu có ế ẩm, liệu rằng du lịch có được phục hồi và phát triển?

Nhận định về sự kiện này, chuyên gia hàng không - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định: Khách bay nội địa sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đã và đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh, nếu những đòi hỏi của VNA được chấp thuận, hành khách sẽ phải bay với giá đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân.

Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn bởi phải gánh chịu những ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, việc áp giá sàn vừa không có lợi cho người tiêu dùng vừa không khuyến khích cạnh tranh. Doanh nghiệp kinh doanh giỏi có thể hạ giá mà vẫn thu về lợi nhuận thì không nên hạn chế, vì lợi ích cho người tiêu dùng.

Với đề xuất của Vietnam Airline, người tiêu dùng bị bất lợi lớn, phải bỏ nhiều tiền hơn mới có thể được “bay”. Chi phí giá vé máy bay tăng, từ đó đẩy giá các tour du lịch hay dịch vụ kèm theo cũng tăng lên.

Không thể đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích xã hội

Cạnh tranh lành mạnh là sự ganh đua một cách hợp pháp, trong sạch giữa các nhà kinh doanh hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề để chiếm lĩnh thị phần mà không sử dụng thủ đoạn mờ ám, bất chính nhằm loại bỏ đối thủ, tranh giành thị trường.

Việc áp dụng giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hành không

Việc áp dụng giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hành không. (Ảnh: minh họa)

Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, có thể nói, việc Vietnam Airlines đề nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay không phải là thủ đoạn mờ ám bất chính. Bởi thế không thể nói đây hành động cạnh tranh không lành mạnh.

Thế nhưng, đối chiếu với những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể là với  Điều 28 Luật Cạnh tranh và khoản 1 Điều 5 Luật giá thì đề xuất này của Vietnam Airlines này đang tỏ ra đi ngược, thiếu phù hợp.

Theo Điều 28 Luật Cạnh tranh thì Nhà nước sẽ chỉ áp đặt giá đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước nhằm kiểm soát, tránh trường hợp thống lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh vận tải hàng không hiện không phải là lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Do đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Giá thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều này nghĩa là, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có quyền đưa ra giá vé, miễn là không vượt qua giá trần mà Nhà nước quy định.

Doanh nghiệp có quyền bán vé máy bay giá rẻ để tạo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cân bằng được chi phí bỏ ra và lợi nhuận, lại tạo được “vé rẻ” có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì không có lý do gì để Nhà nước phải ra giá sàn khống chế việc doanh nghiệp giảm giá vé.

Vì vậy, việc việc áp giá sàn vé máy bay tại Việt Nam là không hợp lí, vừa trái với quy luật cung cầu của thị trường, vừa trái với Luật Giá.

Việc áp dụng giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hành không. Bên cạnh đó, việc người dân không có nhiều vé máy bay giá rẻ đồng nghĩa với số lượng người đi lại bằng đường hàng không có nguy cơ sụt giảm. Từ đó, tác động tiêu cực đến nhiều thị trường, điển hình là lĩnh vực du lịch.

Nguyên tắc cơ bản của thị trường là phải có sự cạnh tranh. Có cạnh tranh mới có sự phát triển, cạnh tranh để tạo ra chất lượng hàng hóa, dịch vụ là tốt nhất mà giá thành lại rẻ. Thiết nghĩ, thị trường hàng không đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập, do đó nên để thị trường điều tiết thay vì quy định cứng nhắc.

Dịch covid diễn ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các doanh nghiệp, trong đó các hãng hàng không bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Vietnam Airline là doanh nghiệp hàng không có vốn Nhà nước lớn, đồng thời là một trong hãng hàng không chiếm thị phần, cơ sở vật chất lớn nên khi bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid đã được Nhà nước can thiệp cho tiếp cận khoản vay lớn với lãi suất 0% nhằm phục hồi và tái tạo hoạt động kinh doanh sau dịch.

Đây là một sự ưu ái lớn của Nhà nước ta dành cho Vietnam Airline. So với các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines có nhiều điều kiện thuận lợi để vực lại hoạt động của doanh nghiệp sau dịch bệnh.

Mặc dù được tiếp cận vốn vay lớn với lãi suất 0% trong 1 năm nhưng Vietnam Airline cho rằng chi phí gia tăng, thiệt hại sau dịch là lớn nên vẫn cần thiết phải tăng giá trần và áp dụng giá sàn vé máy bay nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Điều này là không hợp lí bởi Vietnam Airlines đã có lợi thế và thuận lợi hơn nhiều các hãng hàng không khác trong khi đó đại dịch diễn ra không chỉ làm thiệt hại đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.

Nếu vậy, đây chẳng khác nào đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu, vừa không có lợi cho người tiêu dùng, vừa triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các hãng.

Trần Linh