Để doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số hiệu quả: Thực trạng và Giải pháp

03:34 14/04/2021

Các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ quá trình hội nhập Chuyển đổi số (digital transformation) và đặc biệt là tác động từ đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại các nước trên thế giới. Vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để các DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc hội nhập và phát triển bền vững ...

Việt Nam đã xây dựng tầm nhìn, đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển sau 100 năm tuyên ngôn độc lập (2045), chỉ thị về sản xuất thông minh thông qua Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030, trong đó Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. 

(Ảnh minh họa: Internet)      

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN ngày 27/9/2018 phê duyệt Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng  công nghệ 4.0”, mã số KC-4.0/19-25.

Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chương trình Make in Vietnam (Sản xuất tại Việt Nam) với mục đích đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy mạnh ngành công nghiệp ICT trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất và phối hợp với USAID xây dựng, triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua việc chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; Hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; Hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; Hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Thống kê từ Tập đoàn hệ thống công nghệ Hoa Kỳ Cisco cho thấy, quá trình số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào GDP năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường. Tại Việt Nam, có tới 72% DNNVV đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng đáng kể so với mức 32% của năm 2019.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với 400 DN Việt Nam trong năm 2020, bốn rào cản chính trong chuyển đổi số đối với DN gồm: Thiếu thông tin về công nghệ số (30,4% DN trả lời); thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (32,3%), sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN (33,9%); thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (38,9%), chi phí ứng dụng công nghệ số cao (55,6%).

Các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng gần 80% máy móc là nhập khẩu công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số. Cùng với đó, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số và chủ động hơn trước phản ứng thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới.  

Nhiều chuyên gia khác cho rằng, các doanh nghiệp lớn còn có bộ phận công nghệ thông tin, riêng DNNVV hiểu về công nghệ số đã là khó và hạn chế. Ngoài ra, trong việc chuyển đổi số còn có nhiều rào cản khác như quy định, quy tắc công ty không phù hợp số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động và của lãnh đạo doanh nghiệp…

Ngày 12/04/2021, trong chương trình chuyển đổi số cùng DNNVV được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát động nhằm hỗ trợ các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản trị điều hành và quản trị tài chính - kế toán. Chương trình được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng hành và cung cấp khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá hơn 1 triệu USD. Ông Andrew Jeffries, Giám đốc ADB tại Việt Nam đánh giá, ở Việt Nam, DNVVN thiếu khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là với nguồn vốn dài hạn.

Các giải pháp hiệu quả cho chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chuyển đổi số là rất cần thiết trong sự thay đổi trong kỷ nguyên số hóa đang diễn ra, và sự thay đổi khi áp dụng chiến lược chuyển đổi số là chuyển đổi mang tính tổ chức, là sự thay đổi quan trọng và căn bản nhất. Sự thay đổi mang tính tổ chức có liên quan đến toàn bộ tổ chức của doanh nghiệp hoặc của một tổ chức, nó bao gồm con người, quy trình, chiến lược, cấu trúc của tổ chức, nguyên lý cạnh tranh của doanh nghiệp, nơi mà tập trung hầu hết các mặt của cơ hội và thách thức do chuyển đổi số đem lại. Nếu chúng ta nắm bắt được các lợi ích và giá trị, quy luật của chuyển đổi số, chúng ta sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, tăng năng suất lao động, tăng giá trị lao động, cải thiện quy trình hiệu quả và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Chuyển đổi số trong kinh doanh không phải là một trạng thái đứng im mà nó là một quá trình, chuyển đổi số không đơn thuần là xu hướng mà nó thực sự mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp (DN) từ quản trị điều hành đến chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hạn chế khoảng cách phòng ban; tăng cường sự chính xác – minh bạch trong doanh nghiệp; nâng cao hiệu suất làm việc, tăng thu, giảm chi …. Đặc biệt, sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện DNNVV để trở thành “DN lớn” dễ dàng hơn. Không phải lúc nào những giải pháp lớn và đắt tiền mới đưa DN của bạn đạt được mục tiêu. Các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này cũng nhận định rằng: chuyển đổi số không hề phức tạp và mất nhiều thời gian. Bởi, doanh nghiệp có thể áp dụng hình thức chuyển đổi theo từng giai đoạn hoặc từng bộ phận trong doanh nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, chuyển đổi số có thể không hề tốn chi phí. Vì chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất trong doanh nghiệp, như chuyển từ hình thức sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot (thảo luận trực tuyến), dùng các hệ thống tự động hóa… hay đơn giản là thay đổi phương thức làm việc trên giấy tờ, email, zalo… bằng 1 phần mềm quản lý công việc tập trung trực tuyến.

      Thực tế hiện nay có một số giải pháp công nghệ hữu hiệu và đáng kể nhất đối với chuyển đổi số trong kinh doanh có thể kể đến như: Các công cụ phân tích và các ứng dụng, bao gồm cả phân tích dữ liệu lớn; Các công cụ di động và ứng dụng di động; Các nền tảng được xây dựng dựa trên các nền tảng gốc có thể chia sẻ, ví dụ như đám mây, chợ ứn dụng; Các công cụ mạng xã hội và ứng dụng marketing online Internet kết nối vạn vật và vạn dịch vụ, bao gồm cả các thiết bị thông minh; Công nghệ “sản xuất bồi đắp” và in 3D ; Công nghệ cho phép bác sỹ hội chẩn y khoa từ xa, thăm khám từ xa v.v

      Để chuyển đổi số thật sự hiệu quả, DNNVV không thể bỏ qua các yếu tố sau:

     Sự nhận thức: Đối với doanh nghiệp hoặc tổ chức thì sự nhận thức là khả năng tổ chức đó có thể hoặc có khả năng nhìn nhận tương lai, đoán được tương lai hoặc đi theo xu hướng của tương lai vì rủi ro bị công nghệ bỏ lại phía sau là rất cao trong bối cảnh Internet và công nghệ bùng nổ như hiện nay. 

      Khả năng ra quyết định chiến lược: Các quyết định chiến lược đều mang tính rủi ro, quyết định đúng thì thành công, mà quyết định sai thì thất bại hoặc bị phá sản. Các quyết định của ban lãnh đạo ngày nay không chỉ phụ thuộc vào cảm tính, sự sáng tạo và óc quyết đoán, mà còn phải dựa trên rất nhiều dữ liệu thống kê và số liệu phân tích, các bản báo cáo chỉ ra các xu hướng ngắn hạn, xu hướng dài hạn. Để đưa ra được các quyết định thành công, ban lãnh đạo phải hiểu rõ tình hình nội bộ, các công nghệ cho phép làm việc từ xa, thời gian trả lời các câu hỏi của nhân sự, khách hàng, xử lý các biến đổi trong quá trình kinh doanh như thế nào.

      Khả năng ứng dụng: Khả năng ứng dụng nhanh chóng thể hiện việc, khi doanh nghiệp ra quyết định sử dụng một hệ thống công nghệ nào đó từ phần cứng đến phần mềm, hoặc sử dụng một mô hình mới sau quá trình thuê tư vấn, thì doanh nghiệp và đội ngũ của doanh nghiệp cần phải áp dụng được, ứng dụng được và nâng cao hiệu quả.  

     Ngoài ra, chuyển đổi số cần thời gian và phải tùy mức độ, phạm vi lựa chọn chuyển đổi từng phần của từng doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất. 

PHG