Chủ tịch Tào Đức Thắng: Viettel phải biến “nguy thành cơ” để vươn lên TP. Huế đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số |
Ngày 22/4 tại Hà Nội, Hội nghị Hạ tầng Trung tâm Dữ liệu và Cloud – DCCI Summit 2025 do Viettel IDC tổ chức đã thu hút hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước. Với chủ đề “Green Tech, Green Future”, hội nghị năm nay không chỉ xoay quanh những tiến bộ công nghệ mới nhất trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu (Data Center) và điện toán đám mây (Cloud) mà còn nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững, đưa ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trở thành trụ cột trong chiến lược số hóa quốc gia.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Lê Bá Tân – Giám đốc Viettel IDC khẳng định: “DCCI Summit đã bước sang năm thứ 4, với mục tiêu kết nối tri thức toàn cầu và giải pháp thực tiễn để xây dựng hạ tầng số xanh, thông minh và hiệu quả. Trong thời đại AI đang phủ sóng mọi lĩnh vực, việc phát triển công nghệ phải đi đôi với trách nhiệm môi trường.”
![]() |
Ông Lê Bá Tân – Giám đốc Viettel IDC tại sự kiện ngày 22/4 . |
Theo ông Tân, AI hiện nay không chỉ là công cụ tối ưu hóa hiệu suất mà còn là “trợ lý” có thể phân tích dữ liệu nhanh, hiệu quả và chính xác hơn con người, giúp các doanh nghiệp ra quyết định thông minh hơn trong bối cảnh phức tạp.
Dẫn chứng từ Liên hợp quốc, ông cho biết tổng giá trị sản phẩm dịch vụ công nghệ toàn cầu đã tăng từ 2.500 tỷ USD lên 16.000 tỷ USD trong vòng 10 năm, trong đó AI tăng trưởng 25 lần, từ 189 tỷ USD lên tới gần 5.000 tỷ USD. “Không tận dụng AI lúc này là tự đặt mình ngoài cuộc chơi,” ông nhấn mạnh.
Trong khi công nghệ giúp tăng trưởng kinh tế, thì thách thức đặt ra là làm sao để phát triển mà không gây áp lực lên môi trường. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lĩnh vực trung tâm dữ liệu và Cloud có thể tiêu thụ tới 200 TWh điện năng vào năm 2025. Đặc biệt, mức tiêu thụ điện của AI đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua.
Chính vì vậy, DCCI Summit 2025 tập trung vào ba chủ đề thảo luận chuyên sâu mang tính thời sự và chiến lược: phát triển trung tâm dữ liệu xanh với khả năng vận hành hiệu quả và giảm phát thải; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, nâng cao hiệu suất hệ thống; và triển khai các giải pháp điện toán đám mây (Cloud) thân thiện với môi trường. Đây là ba mũi nhọn then chốt trong hành trình xây dựng hạ tầng số bền vững, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng công nghệ đối với mục tiêu tăng trưởng xanh.
Các chuyên gia từ Google, Microsoft, AWS, Nvidia đã trình bày những công nghệ tiên tiến như làm mát bằng chất lỏng, quản lý tải động, tính toán phân tán sử dụng năng lượng tái tạo, cùng các mô hình AI tiêu thụ năng lượng thấp. Tất cả đều hướng đến mục tiêu tối ưu hiệu năng – giảm thiểu phát thải CO₂.
Không chỉ giới hạn ở hạ tầng, hội nghị còn xoáy sâu vào vai trò của ESG trong chuyển đổi số. Báo cáo của PwC cho thấy, 85% doanh nghiệp tại châu Á – Thái Bình Dương đã đưa ESG vào chiến lược phát triển. Điều này cũng được phản ánh tại Việt Nam, khi giá trị nền kinh tế số đạt khoảng 36 tỷ USD trong năm 2024 (theo báo cáo e-Conomy SEA).
![]() |
DCCI Summit 2025 làm chủ hạ tầng số xanh trong kỷ nguyên AI. |
Việc tích hợp ESG vào công nghệ giúp doanh nghiệp: Đáp ứng yêu cầu pháp lý và quốc tế, thu hút nhà đầu tư bền vững, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng – chuyên gia công nghệ Microsoft đánh giá: "Một hạ tầng số chỉ thực sự bền vững khi doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà còn hướng đến tác động tích cực lên môi trường và xã hội.”
Ngoài các phiên thảo luận, DCCI Summit 2025 còn mang đến khu trưng bày công nghệ của các hãng lớn như Dell Technologies, Schneider Electric, Vertiv, cho phép khách mời trực tiếp trải nghiệm giải pháp làm mát tiết kiệm năng lượng, hệ thống pin dự phòng xanh, phần mềm quản lý trung tâm dữ liệu thông minh…
Đây cũng là không gian để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác công nghệ, trao đổi chuyên sâu và cùng vạch định tầm nhìn chuyển đổi số bền vững, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đang thúc đẩy các chương trình như “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030”, “Phát triển Chính phủ số” và “Chiến lược tăng trưởng xanh”.
Ông Lê Bá Tân nhấn mạnh, để không tụt hậu trong kỷ nguyên AI và công nghệ xanh, Việt Nam cần làm chủ hạ tầng số nội địa thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nền tảng nước ngoài.
“Chúng ta có cơ hội lớn để trở thành trung tâm dữ liệu khu vực, nhưng cần hành động quyết liệt, đầu tư bài bản và minh bạch,” ông Tân chia sẻ.
DCCI Summit 2025 không chỉ là diễn đàn chia sẻ công nghệ mà còn là bệ phóng chiến lược giúp doanh nghiệp Việt chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững. Trong bối cảnh AI bùng nổ và ESG trở thành chuẩn mực toàn cầu, việc xây dựng hạ tầng số xanh không chỉ là lựa chọn thông minh, mà còn là sứ mệnh dài hạn, mở ra con đường phát triển bền vững cho nền kinh tế số Việt Nam.