Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực vào các thị trường lớn

14:39 20/07/2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào các thị trường lớn, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong những tháng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ vươn lên vị trí dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam nhất.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm của 4/9 mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả (1,2 tỷ USD, tăng 80,2%), gạo (364 triệu USD, tăng 79,2%), hạt điều (198,8 triệu USD, trên 50,9%) và chè (4,2 triệu USD, tăng 58,7%).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hạn chế lây lan dịch COVID-19 đã giải phóng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng, các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đâu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.

Trái ngược với triển vọng tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có 1 mặt hàng càphê tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm (đạt 145,2 triệu USD, tăng 16%), còn lại 9 mặt hàng đều suy giảm, giảm mạnh nhất là cao su (9,5 triệu USD, giảm 60,1%), thủy sản (562,5 triệu USD, giảm 48,3%), gỗ (2,6 tỷ USD, giảm 35,6%), hạt tiêu (83,9 triệu USD, giảm 34,2%), chè (2,7 triệu USD, giảm 39,8%).

Đối với Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường đều  suy giảm giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm bao gồm:  Gỗ (677 triệu USD, giảm 0,2%), thủy sản (580,2 triệu USD, giảm 9,2%) và cà phê (128,5 triệu USD, giảm 3%). Một số mặt hàng tăng trưởng là rau quả (5,3%), hạt điều (15,4%), sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh (947,4%).

EU cũng là thị trường có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 giảm, với 2,1 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ. EU đối mặt với khủng hoảng năng lượng và cơn sốt giá thực phẩm dẫn đến suỵ thoái kinh tế, cắt giảm tiêu thụ thực phẩm tại nhiều nước.

Giống thị trường Trung Quốc, ASEAN là thị trường tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm, ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%) nhờ xuất khầu gạo (tăng 1.519,3%), cà phê (tăng 185,5%). Philippines tăng trưởng 14,4% (chủ yếu là gạo tăng 31,1%), Singapore tăng 4,8%.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung triển khai các hoạt động nhằm thúc đây xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực vào 3 thị trường lớn gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Ngọc Phi (TH)