Đầu tư thế nào trong thế giới hậu đại dịch?

15:39 11/09/2021

Dịch bệnh, lực lượng vô hình đang thay đổi lối sống con người cũng như các hoạt động kinh tế một cách nhanh chóng. Nếu các nhà đầu tư không đi đúng hướng, ắt sẽ tụt hậu. Nền kinh tế toàn cầu gần như chẳng thể trở lại như trước. Hầu hết các doanh nghiệp truyền thống buộc phải số hóa, doanh nghiệp lâu đời khó có thể tồn tại trong vài năm tới với phương thức cũ. Kelvin Seetoh và Jonathan Ang, những người sáng lập ra The Full-Time Investor, chia sẻ về những lưu ý cần thiết cho các nhà đầu tư nếu muốn tiếp tục bước trên con đường này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Tìm kiếm và tạo ra giá trị

Để giá trị của một công ty ngày càng phát triển, những người chèo lái công ty cần liên tục tìm tòi giải pháp giải quyết vấn đề mà khách hàng gặp phải, sáng tạo công cụ mới hiệu quả hơn, nhanh gọn hơn. Kelvin Seetoh và Jonathan Ang tin rằng giá trị và sự giàu có sẽ đến nhờ đầu tư hợp tác với những nhà đổi mới sáng tạo.

Theo bộ đôi, đầu tư không đơn thuần là bỏ tiền vào bất kỳ cấu trúc hay tài sản công ty mà cốt lõi là rót vốn cho con người. Khai thác tham vọng, tài năng, nghị lực và khả năng của một doanh nhân sẽ giúp đưa những cá nhân có cùng chí hướng chung một hành trình biến thế giới tốt đẹp hơn thông qua hoạt động kinh doanh.

Hãy nhìn những doanh nhân tiêu biểu như anh em nhà Rales của Danaher Corporation, Albert Nahmad của Watsco, Mark Leonard của Constellation Software và Jeff Bezos của Amazon, họ không tạo ra một doanh nghiệp chỉ hoàn toàn để kiếm tiền. Thay vào đó, họ thấm nhuần nhiệt huyết khám phá thế giới như cách Jeff Bezos đam mê vũ trụ. Bằng cách tạo ra nhiều giá trị hơn cho thế giới, những tấm gương nêu trên được khen thưởng về mọi mặt, được xưng tụng là “người tiên phong”. Hơn hết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ắt hẳn bất kì người làm doanh nghiệp nào cũng nắm rõ “sáng tạo”, “đổi mới”, “tạo lập giá trị” quan trọng đến nhường nào!

Sự đồng cảm trong hệ sinh thái toàn diện

Hệ sinh thái toàn diện là cách tiếp cận để xem xét đánh giá tài sản, tài năng, quan hệ đối tác của tổ chức với mục tiêu hiểu rõ hơn và phục vụ nhu cầu của khách hàng cũng như xã hội. Đây không phải là cách làm hoàn toàn theo chức năng hay máy móc. Thay vào đó, hệ sinh thái cần được thúc đẩy bằng sự đồng cảm. Trong đó động lực cố hữu là  hiểu nhu cầu của người khác và nhận thức được suy nghĩ và cảm xúc của họ, gắn kết các yếu tố của hệ sinh thái. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đồng cảm có khả năng cảm nhận người khác là một lợi thế trên thương trường.

Bên cạnh đó, Kelvin Seetoh và Jonathan Ang tạo ra phương pháp tiếp cận “win-win-win” có nghĩa là trong bất kỳ giao dịch nào, công ty cũng giành được sự đồng thuận và chiến thắng cùng với nhân viên và khách hàng. Điều quan trọng là tuy rằng một công ty phải tạo ra lợi nhuận để duy trì hoạt động nhưng không nên bán hàng với tâm lý bòn rút những đồng tiền cuối cùng từ khách hàng.

Hơn thế nữa, công ty nên thực hiện chiến lược dài hạn, tập trung vào hạnh phúc của khách hàng, vun đắp mối quan hệ thay vì giao dịch một lần. Các doanh nghiệp nghĩ đến lợi ích tốt nhất cho khách hàng có xu hướng phát triển nhanh hơn bởi vì họ được hưởng lợi các luồng tiếp thị truyền miệng và khách hàng có tầm ảnh hưởng.

Phan Lee (theo e27)