Nhận định về tình hình xuất khẩu năm 2023, Hiệp hội Da giầy – túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng từ quý IV/2022 những ngành xuất khẩu, trong đó có da giầy, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giầy.
Dự kiến phải đến hết quý II/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng cũng như lao động của ngành da giầy. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành. Vì thế, các giải pháp mà doanh nghiệp đang hướng tới là mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và cố gắng tận dụng tốt các thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Trong số rất nhiều thị trường xuất khẩu giày dép, thì Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất 889,58 riệu USD, chiếm 32,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 2/2023 đạt 450,59 triệu USD, tăng 2,6% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 19,8% so với tháng 2/2022.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt trên 285,73 triệu USD, chiếm 10,3%, tăng 13,2%; Riêng tháng 2/2023 đạt 158,83 triệu USD, tăng 25,1% so với tháng 1/2023 và tăng mạnh 38,5% so với tháng 2/2022; Tiếp sau đó là thị trường Nhật Bản chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch, đạt 198,15 triệu USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, sản phẩm giầy dép của Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một số thương hiệu “Made in Việt Nam” khá tốt. Việt Nam hiện được đánh giá là nước khá uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giầy, đặc biệt là giầy thể thao theo các nhãn hàng lớn. Do vậy Lefaso cũng hy vọng trong lượng tổng cầu suy giảm nhưng đơn hàng đối với Việt Nam sẽ vẫn được duy trì. Điều lo lắng với ngành da giầy hiện nay là sự khan hiếm cũng như khó khăn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu.
PV