Đến hẹn lại lên! Hằng năm, cứ vào dịp lễ Noel cho đến cận kề Tết Nguyên đán, Trung tâm Bảo tồn và phát triển cam Xã Đoài lại nhộn nhịp đón khách thập phương về thăm quan và đặt mua cam để thưởng thức, hoặc làm quà biếu vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc sản cam Xã Đoài xứ Nghệ của Trung tâm được mua với giá rất cao, từ 70 – 90 đồng đồng/quả, nhưng năm nào cũng “cháy” hàng…
“Cam Xã Đoài – Xoài Thà Khẹc”…
Cam Xã Đoài không chỉ được vinh dự ghi vào Đại từ điển Pháp, mà còn được ví ngang hàng với loại xoài đặc sản của nước Lào: “Cam Xã Đoài – Xoài Thà Khẹc”. Theo cuốn biên niên sử của xã Nghi Diên chép rằng: “Đệ nhất cam Xã Đoài” được trồng vào khoảng 150 năm trước. Lúc bấy giờ, một vị linh mục người Pháp khi sang vùng đất Xã Đoài truyền đạo đã mang theo một giống cam có nguồn gốc từ nam Mỹ để trồng. Sau 3 - 4 năm, cây cho quả to, hình bầu, khối trụ, ít hạt, ăn thơm ngon đến kỳ lạ. Vị ngọt và hương thơm của nó đã nhanh chóng lan truyền khắp trong thiên hạ. Tương truyền, từ thời triều đình Huế có tổ chức cuộc thi hoa quả trên cả nước, ở làng Xã Đoài có ông Châu đưa loại cam này đi thi và đạt giải Nhất. Sau đó, thực dân Pháp đem cam Xã Đoài về trưng bày tại cuộc Đấu Xảo ở Exposition Coloniale de Marseille, trở thành đặc sản xứ Đông Dương. Nhờ có giống cam quý tiến Vua nổi tiếng mà ông Châu được đặc cách phong hàm “Cửu Phẩm”.
Thực vậy, không chỉ người Việt, mà đến cả các vị quan Tây lúc bấy giờ cũng hết lời ngợi ca cam Xã Đoài. Từ đó, loại cam này đã được người dân làng Xã Đoài trồng cho đến thập niên 80, do nhiều nguyên nhân, giống cam quý này đã dần mai một và thoái hóa dần trong dân gian. Nhận thấy đặc sản cam Xã Đoài thơm ngon, nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao đang đứng trước nguy cơ thất truyền, nên vào năm 2009, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát đã tiên phong thực hiện dự án với tên gọi: “Trung tâm Bảo tồn và phát triển cam Xã Đoài” ngay trên vùng đất nguyên sản tại xã Nghi Diên với quy mô 12ha. Hàng ngàn gốc cam thuần chủng Xã Đoài đã được Công ty ươm trồng và chăm sóc…
Khoác trên mình bộ đồ công nhân khi đang trực tiếp cắt tỉa cành cho những cây cam quý, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát bộc bạch: “Là người con của Nghi Diên, tôi rất lo lắng trước nguy cơ thất truyền loại cam đặc sản của quê hương, nên công ty chúng tôi đã quyết tâm tiên phong thực hiện dự án bảo tồn và phát triển cam Xã Đoài. Sau nhiều nỗ lực, công sức và tâm huyết bỏ ra, chúng tôi thật hạnh phúc và tự hào khi cam Xã Đoài đã được phục tráng thành công. Đây là món quà quý mà người thực hiện dự án như chúng tôi muốn dành tặng nơi mình đã sinh ra. Dù vất vả ngược xuôi, nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về quê cha đất tổ, nơi có loại cam Xã Đoài nức tiếng. Trong quá trình phục tráng, canh tác loại cam đặc sản Xã Đoài, chúng tôi không chỉ áp dụng quy trình công nghệ cao, mà còn nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ của các kỹ sư nông nghiệp đến từ Nhật Bản”.
Đặc sản cam Xã Đoài – Món quà Tết thượng hạng…
Hôm nay về thăm lại Trung tâm, chúng tôi được chiêm ngưỡng những hàng cam Xã Đoài thẳng tắp, xanh tốt và trĩu quả. Hằng ngày, cam Xã Đoài ở đây được chăm sóc cẩn mẫn bởi đội ngũ công nhân có kỹ thuật và dày dặn kinh nghiệm. Nhìn thấy đặc sản cam Xã Đoài phát triển xanh tốt ở Trung tâm, nhiều người dân ở xã Nghi Diên nặng lòng với giống cam quý, hiếm này đã không còn lo lắng.
Sở dĩ Trung tâm được du khách thập phương biết đến là vì nơi đây đã khôi phục và phát triển được loại đặc sản cam Xã Đoài “độc nhất vô nhị”. Nhìn nhận về đặc tính của cam Xã Đoài được trồng ở Trung tâm, nhiều bậc cao niên trong xã Nghi Diên đã từng trồng loại cam này trước đây cho biết: “Có lẽ do thổ nhưỡng và nguồn nước nơi đây đã tạo nên vị ngọt và hương thơm đặc biệt của loại cam này. Đặc điểm nhận diện quả cam Xã Đoài là vỏ mỏng đều, mịn và có màu vàng tươi khi chín, sau đó sẽ chuyển dần sang màu vàng sẫm, mùi hương thơm dịu tỏa ra khi bổ cam, ruột vàng óng và nước cam ngọt thanh, không chua, ăn vào có chất kết dính như mật ong ở ngay đầu lưỡi. Cam Xã Đoài mọng nước, có trọng lượng khoảng 200 – 250gr/quả…Hương vị và độ ngọt cam Xã Đoài trồng ở Trung tâm thì không có loại cam nào sánh được. Điều kỳ lạ ở chỗ, trước đây, sau khi bình tuyển thành công, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ có đưa cây cam Xã Đoài lên trông thử ở vùng đất huyện Con Cuông (Nghệ An), nhưng quả của nó lại không còn mùi vị như trồng ở vùng đất nguyên sản xã Nghi Diên”.
Đặc sản cam Xã Đoài vốn từ lâu đã đi vào làn điệu dân ca ví giặm – một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: “Cam Xã Đoài xứ Nghệ/ Càng chín lại càng ngon”. Bên cạnh đó, hương vị cam Xã Đoài còn đọng lại trong những câu thơ của thi sĩ Phạm Tiến Duật:
“Cam Xã Đoài mọng nước
Giọt vàng như mật ong
Bổ cam ngoài cửa trước
Hương bay vào nhà trong”…
“Hiện tại, Trung tâm chúng tôi đã phát triển được 3.200 cây cam Xã Đoài. Năm nay, trong số 3.200 cây thì đã có 1.200 cây cho quả (mỗi cây khoảng 150 quả). Ngoài số cam mà khách hàng đã đặt trước, Trung tâm còn dành lại một lượng cam để phục vụ thực khách thập phương đến thăm quan và đặt mua vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Để thực khách được thưởng thức hết giá trị vốn có của loại cam đặc sản Xã Đoài, Trung tâm chúng tôi đã và đang hình thành những sản phẩm như mứt cam, mứt vỏ cam, rượu cam…” – ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát cho biết thêm.
Nhờ đặc tính thơm, ngon vượt trội hơn hẳn mọi loại cam khác, nên cam Xã Đoài ở Trung tâm đã được nhiều khách hàng thập phương chọn làm món quà Tết thượng hạng và trực tiếp đến Trung tâm đặt mua theo quả.
Hoàng Lan