![]() |
Sợi Thế Kỷ ghi nhận lãi ấn tượng quý 1/2025 từ thị trường Mỹ |
Bức tranh kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam trong quý 1/2025 đang dần sáng rõ với những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Nổi bật trong số đó, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) – đối tác của các thương hiệu toàn cầu như Nike, Adidas và Fast Retailing (Uniqlo) – đã ghi nhận mức tăng trưởng lãi ròng vượt bậc, hơn 4.900% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính quý 1-2025, Sợi Thế Kỷ đạt doanh thu hơn 376 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ, nhờ vào sự tăng trưởng cả về khối lượng bán hàng và giá bán. Lợi nhuận gộp tăng mạnh, kéo theo biên lợi nhuận gộp đạt gần 21%, từ đó đưa lãi sau thuế lên mức 35,6 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Phương Chi – Giám đốc chiến lược của Sợi Thế Kỷ – cho biết, chỉ trong 90 ngày đầu năm, công ty đã thu hút thêm 13 khách hàng mới. Hoạt động theo mô hình B2B, Sợi Thế Kỷ tập trung cung ứng sợi cho các doanh nghiệp dệt may, với khoảng 72% doanh thu đến từ thị trường nội địa và xuất khẩu tại chỗ.
Thị trường Mỹ tiếp tục giữ vai trò trọng yếu
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam trong quý 1-2025, với kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành cũng đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật Bản và EU lần lượt đạt 12% và 13,5%, trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc duy trì ổn định ở mức 800 triệu USD.
Ngoài Sợi Thế Kỷ, nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng báo cáo kết quả tích cực. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Song Jae Ho – Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công – cho biết doanh thu và lợi nhuận quý 1 ước tăng lần lượt 8% và 25%. Trong đó, thị trường Mỹ đóng góp khoảng 30% doanh thu xuất khẩu của công ty.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG – đối tác cung ứng sản phẩm cho Decathlon, Columbia – cũng ghi nhận doanh thu thuần quý 1 tăng hơn 11% và lãi ròng tăng nhẹ.
Lợi thế cạnh tranh từ sản phẩm và chuỗi cung ứng
Theo đại diện Sợi Thế Kỷ, các sản phẩm dệt may làm từ sợi nhân tạo của Việt Nam đang chiếm ưu thế tại thị trường Mỹ, nhờ khả năng sản xuất đa dạng, thời gian giao hàng nhanh và sự phát triển đồng bộ của chuỗi cung ứng. Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì sức cạnh tranh, ngay cả trong bối cảnh chịu tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Ngoài thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đẩy mạnh mở rộng sang các khu vực khác như EU, Canada, Úc và Trung Đông nhằm phân tán rủi ro thương mại.
Theo số liệu từ Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA), Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc, đối với cả sản phẩm từ sợi nhân tạo và sợi cotton. Đáng chú ý, mặc dù thị phần xuất khẩu theo sản lượng của Việt Nam (17-19%) còn khiêm tốn so với Trung Quốc (43-46%), nhưng nếu xét về giá trị, Việt Nam đang tiệm cận với đối thủ, cho thấy giá trị gia tăng cao hơn trên mỗi đơn vị sản phẩm – một lợi thế cạnh tranh đáng kể trong bối cảnh thị trường biến động.