Cưỡng chế tiêm chủng để đạt chỉ tiêu, nhiều địa phương tại Trung Quốc bị chỉ trích dù đất nước đã tiêm 2 tỷ mũi vắc xin

16:37 27/08/2021

Các nhà chức trách công bố hôm thứ sáu rằng đợt tiêm chủng virus Corona của Trung Quốc đã vượt qua con số 2 tỷ liều, nhưng các "chiến thuật mạnh tay” nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng đang gây ra phản ứng dữ dội ở một số khu vực.

Người dân đi tiêm chủng ở điểm tiêm sân vận động tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô
Người dân đi tiêm chủng ở điểm tiêm sân vận động tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. (Ảnh: CNN)

Một quan chức tại Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ sáu, tính đến thứ năm, hơn 889 triệu người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, với hơn hai tỷ mũi tiêm Covid-19 sản xuất trong nước. Thành tích này đã đặt Trung Quốc nganh hàng với Vương quốc Anh và vượt Hoa Kỳ về tỷ lệ dân số hiện được tiêm chủng đầy đủ.

Cột mốc 2 tỷ người được đưa ra chỉ 10 tuần sau khi đất nước này vượt mốc tỷ người đầu tiên vào tháng 6. Trung Quốc thúc đẩy chương trình tăng tỷ lệ tiêm chủng kể từ tháng 7, khi biến thể Delta lây lan rộng khắp trên đất nước. Tới nay, các quan chức y tế thông báo rằng đợt bùng phát đã được “kiểm soát một cách hiệu quả”, tiến trình tiêm chủng vẫn được tăng tốc.

Phát biểu tại một hội nghị về sức khỏe vào thứ sáu tuần trước, chuyên gia hàng đầu về hô hấp của Trung Quốc Zhong Nanshan cho hay nước này đang đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số 1,4 tỷ người vào cuối năm nay. Chiến dịch tiêm chủng mới nhất của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào người già, trẻ vị thành niên và cư dân ở các vùng nông thôn rộng lớn của đất nước, những nhóm khó tiếp cận mà không được đề cập trong các đợt tiêm chủng trước đó.

Ở tỉnh Quảng Đông, một người dân làng dù đã 111 tuổi nhưng cũng phải tiêm vắc-xin vào tuần trước. Tại các vùng sâu vùng xa, cán bộ bố trí xe đưa rước tại nhà và chở người dân đến các điểm tiêm chủng. Dù chính sách nhiều lần nhấn mạnh tiêm chủng tự nguyện nhưng trước áp lực phải có thêm nhiều người dân được tiêm vắc xin, các chính quyền địa phương dần chuyển sang những biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo người dân tuân thủ. Trên khắp đất nước, ngày càng nhiều địa phương cấm người dân chưa được tiêm chủng tiếp cận các dịch vụ công cộng, bao gồm bệnh viện, trường học và phương tiện giao thông công cộng.

Ở phía tây nam thành phố Trùng Khánh, chính quyền quận thông báo rằng những cư dân từ chối tiêm chủng mà không có lý do chính đáng sẽ ảnh hưởng đến tín dụng xã hội. Tại tỉnh Thanh Hải, một cộng đồng dân cư đã đưa ra một thông báo trong tuần này, cảnh báo người dân rằng sẽ bị đình chỉ cấp lương hưu, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội nếu một thành viên trong gia đình không tiêm phòng. Một quan chức cho biết thông báo này nhằm “dọa” người dân tiêm chủng. Các biện pháp này đã dấy lên các cuộc chỉ trích rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Nhiều người cáo buộc chính quyền địa phương vi phạm chính sách của chính quyền trung ương và khiến việc tiêm chủng tự nguyện trở thành bắt buộc.

Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, chỉ ra sự khác biệt giữa chính sách của chính quyền trung ương và việc thực hiện ở địa phương là một điều điển hình xảy ra trong hệ thống chính trị từ trên xuống của Trung Quốc, nơi các quan chức cấp tỉnh phải chịu áp lực rất lớn để đạt được các mục tiêu chính sách do Bắc Kinh đặt ra.

Ông nói: “Không hoàn thành chỉ tiêu thì địa phương sẽ bị phạt, tạo áp lực cho các quan chức chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp mạnh tay để hoàn thành công việc”. Trước dấu hiệu của áp lực gia tăng, chính quyền nhiều thành phố đã cảnh báo các quan chức địa phương rằng họ sẽ phải “chịu trách nhiệm nghiêm trọng” nếu tình trạng lây nhiễm bùng phát ở những người chưa được tiêm chủng. Một số chính quyền địa phương phàn nàn rằng người dân bị “dụ” bằng tiền thưởng khi đến các điểm tiêm ở thị trấn lân cận trong cuộc cạnh tranh đạt chỉ tiêu giữa các khu vực.

Bất chấp tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị nới lỏng cách tiếp cận Zero Covid nghiêm ngặt hoặc sớm mở cửa biên giới. Zhong cho hay Trung Quốc có thể thiết lập “khả năng miễn dịch cộng đồng hiệu quả” khi tỷ lệ tiêm phòng đạt 80%. Nhưng Huang ở Hội đồng Quan hệ Đối ngoại bày tỏ sự hoài nghi, do tỷ lệ hiệu quả thấp hơn của vắc-xin Trung Quốc và sự gia tăng của các ca bệnh lây nhiễm đột phá biến thể Delta trên khắp thế giới.

Ở Israel, nơi 78% những người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ (chủ yếu là vắc xin Pfizer / BioNTech), các ca mắc hàng ngày đã tăng lên trong những tuần gần đây và các nhà chức trách đã bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho những công dân lớn tuổi.

Tại cuộc họp báo hôm thứ sáu, Zheng Zhongwei, một quan chức chia sẻ các chuyên gia khuyến nghị các nhóm nguy cơ cao, chẳng hạn như nhân viên hải quan, sân bay và các địa điểm kiểm dịch nên tiêm nhắc lại sáu tháng sau khi tiêm phòng đầy đủ. Hôm thứ hai, đài truyền hình CCTV cảnh báo đại dịch vẫn chưa kết thúc và không nên lơ là trong việc phòng chống dịch.

TL