Cuộc đua ngân hàng số
Nếu như 2018, một nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai số hóa, còn 6% ngân hàng hiện chưa tính đến việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số tổng thể, thì con số này đến năm 2020 hẳn đã lên gần 100% khi tất cả các tổ chức tín dụng đều đã triển khai ngân hàng điện tử và từng bước hướng đến Digital Banking- mô hình ngân hàng số hiện đại.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều khách hàng còn chưa nhận thức một cách rõ nét tầm quan trọng của giao dịch ngân hàng số. Đại dịch đã thay đổi tất cả. Nhận thức và hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi, cũng là động lực giúp các ngân hàng tăng tốc trong cuộc đua ngân hàng số. Có thể coi Covid-19 là một "lợi thế" bất ngờ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của các ngân hàng tại Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 đến một cách hoàn toàn bất ngờ, không báo trước đã khiến cuộc sống của cả thế giới hoàn toàn đảo lộn. Đại dịch cũng khiến hành vi của khách hàng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thay đổi: Mức độ phổ biến của giao dịch trên kênh ngân hàng trực tuyến tăng cao hơn rất nhiều khi mà giao dịch bằng tiền mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tiếp xúc giữa con người với con người và giữa con người với tiền mặt.
Việc các doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân thực hiện các giao dịch trực tuyến nhiều hơn, mang tính phổ biến hơn đang đem tới cơ hội cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng trong việc thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ mới. Đây là một "cú huých" mạnh mẽ làm thay đổi hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh quá trình ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động kinh doanh.
Thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy có 42% các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của họ, và 94% các ngân hàng ở Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực công nghệ này ở nhiều cấp độ khác nhau.
Theo số liệu của vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, lưu lượng thanh toán không dùng tiền mặt tăng 180%, một số ngân hàng có tỉ lệ giao dịch trực tiếp tại quầy giao dịch giảm xuống còn dưới 10%.
Còn số liệu của các ngân hàng thương mại cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là Internet banking, mobile banking tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2019, tăng từ 1,4 đến 2,6 lần, chiếm trên 40% tổng số giao dịch. Cá biệt, có một vài ngân hàng chiếm trên 80% tổng số giao dịch.
Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới.Trong đại dịch Covid-19, mỗi tuần có khoảng 71% người tiêu dùng trên toàn cầu sử dụng dịch vụ trên các kênh ngân hàng số, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức sử dụng hàng ngày tăng 6% so với cùng thời kỳ.
Đặc biệt, trong thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự dịch chuyển rất mạnh cơ cấu giao dịch. Theo số liệu của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS), giao dịch của khách hàng qua NAPAS từ chỗ chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt từ ATM (chiếm tới 90% tổng số giao dịch) năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 26,6% trong năm 2020.
Trong khi đó, giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng từ 1,1% năm 2015 lên 66,6% số lượng giao dịch vào năm nay. Tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm từ 84,4% năm 2015 xuống chỉ còn 5,4% năm 2020; giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng gần 15 lần, từ 6,3% năm 2015 lến 93,5% năm 2020.
Trên thực tế, cột mốc số hóa quan trọng nhất, bắt buộc phải có đối với ngành ngân hàng đã được mở ra chính thức trong năm 2020: Đó là sự nối dài Nghị định số 87/2019/NĐ-CP của Chính cho phép ngân hàng không cần gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ, nhưng phải đảm xác minh khách hàng, đến Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, bổ sung các quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC). Đây là khung pháp lý quan trọng để ngành ngân hàng bước vào ngân hàng số
Hệ sinh thái ngân hàng
Sự bùng nổ của thanh toán điện tử, thương mại điện tử và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính- ngân hàng trên nền tảng số cũng thúc giục các TCTD bước tới một cánh cửa mới: Phát triển mô hình ngân hàng số với nền tảng kết nối mở API.
Tất nhiên, các ngân hàng vẫn phải thực thi “định danh” mô hình số của mình. Và đó là lý do BIDV ra mắt trung tâm ngân hàng số để từ đó “tích hợp” kết nối cùng 24 công ty Fintech, 756 nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp trên 1.500 dịch vụ thanh toán cho khách hàng; hay như HDBank tung Happy Digital Bank với dịch vụ ngân hàng Hạnh phúc giao dịch mọi lúc mọi nơi; LienVietPost Bank có LienViet24h; OCB phát triển OCB Omni version mới như “trợ thủ quản lý tài chính”…
Năm 2021, cuộc đua số hóa của các ngân hàng được dự báo sẽ càng nóng với sự gia nhập mảng thanh toán từ MobileMoney và sự cạnh tranh tiềm ẩn có thể đến từ các siêu app dịch vụ đang trong “vùng xám” dịch vụ- thanh toán chờ thời bước sang tài chính.
Giới chuyên môn nhận đinh, vốn không phải là các nhà công nghệ khổng lồ, song các ngân hàng Việt bắt buộc phải nhanh hơn nữa, hoàn toàn vượt mặt mọi đối thủ, để thực sự là những bank 4.0 – ngân hàng số toàn diện. Khi đó, các siêu app, thậm chí các nhà cung cấp Mobile Money vẫn sẽ chỉ là một phần của mảng thanh toán, hoặc là một phần của hệ sinh thái Fintech, có thể “nhúng” vào các ngân hàng.
Không còn là cuộc chuyển đổi, đợt đua tranh về vạch đích đang chờ đợi các ngân hàng số Việt trong năm 2021.
TH