Cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa toàn cầu – Cần làm gì khi các thương hiệu bao bì lớn không hoàn thành cam kết?

14:17 07/11/2022

Gia tăng các chất thải nhựa là vấn đề vô cùng nhức nhối hiện nay. Đã có rất nhiều nỗ lực từ các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… để ngăn chặn nhưng chưa hiệu quả. Cần phải thống nhất một lộ trình quy mô toàn cầu để chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa cho các thế hệ mai sau.

Theo báo cáo mới của Quỹ Ellen MacArthur, mỗi năm các ngành công nghiệp thải ra 95% bao bì nhựa sử dụng một lần. Trong số đó, khoảng 40% được chôn dưới đất và hơn 30% được thải xuống các đại dương.Từ năm 1964, sản xuất nhựa tăng gấp 20 lần và năm 2016 ở mức khoảng 343 triệu tấn/năm. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới và tăng gấp 4 lần vào năm 2050, khi các quốc gia đang phát triển tiêu thụ nhiều nhựa hơn. 

Giáo sư Matthew MacLeod, Đại học Stockholm, cho biết, trong một nghiên cứu: “Sử dụng nhựa đã hằn sâu trong xã hội chúng ta và rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường ở khắp mọi nơi, ngay cả ở những quốc gia có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tốt”. Ô nhiễm vẫn đang có xu hướng tăng lên mặc dù nhận thức về ô nhiễm nhựa của các nhà khoa học và người dân đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Theo Mine Tekman, một ứng viên Tiến sĩ tại Viện Alfred Wegener, Đức, đồng tác giả của nghiên cứu, ô nhiễm nhựa không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn là một vấn đề “chính trị và kinh tế”.

Một báo cáo đánh giá mới do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF ủy thác thực hiện từ việc rà soát lại hơn 2.590 nghiên cứu nhằm cung cấp một phân tích toàn diện nhất từ trước cho đến nay về tác động đáng báo động và quy mô ô nhiễm nhựa đối với các loài và hệ sinh thái đại dương. Báo cáo đánh giá, nếu không có hành động ngay bây giờ để cắt giảm sản xuất và sử dụng nhựa trên toàn cầu, thì ô nhiễm nhựa sẽ ngày càng gia tăng và có thể dẫn tới các rủi ro đe dọa hệ sinh thái tại nhiều khu vực, ảnh hưởng đến các nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học hiện nay.

Trong kịch bản xấu nhất, việc vượt quá ngưỡng nguy hiểm của ô nhiễm hạt vi nhựa trong hệ sinh thái có thể dẫn đến những tác động tiêu cực không chỉ đến các loài mà còn đến cả hệ sinh thái, bao gồm việc suy giảm quần thể. 

Ô nhiễm nhựa - Hiểm họa thức tỉnh nhân loại.
Ô nhiễm nhựa - Hiểm họa thức tỉnh nhân loại. 

Quỹ Ellen MacArthur dẫn đầu Cam kết Toàn cầu, được khởi động vào năm 2018 với sự hợp tác của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc.

Bản cam kết có 63 thương hiệu và nhà bán lẻ ký bao gồm Nestlé, PepsiCo, Unilever, Coca-Cola, Mars và L’Oréal,… cam kết thực hiện mục tiêu giảm bao bì nhựa vào năm 2025.

Báo cáo Tiến độ Cam kết Toàn cầu 2022 “Global Commitment 2022 Progress Report” của Quỹ Ellen MacArthur (EMF) cho biết, mục tiêu đạt được 100% bao bì có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy vào năm 2025 “gần như chắc chắn” không được đáp ứng đồng thời cho thấy rằng, việc sử dụng nhựa nguyên sinh thực sự đã tăng trở lại ở mức năm 2018.

Mạng lưới Hiệp ước Nhựa và Cam kết Toàn cầu, đại diện của hơn 1.000 doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức khác nhau đã cam kết thiết lập một nền kinh tế vòng tròn cho nhựa và nhựa không bao giờ trở thành rác thải vùi lấp trong môi trường.

Trong năm thứ 3 liên tiếp, tỷ lệ bao bì nhựa tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy đã tăng nhẹ trong các thành viên, đạt đến 65,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm này rất khác nhau giữa các bên ký kết - từ dưới 20% đến gần 100% phụ thuộc vào những loại bao bì trong danh mục bao bì của doanh nghiệp.

Báo cáo cho biết, trong khi nhiều doanh nghiệp đang đầu tư lớn vào nỗ lực thiết kế bao bì có thể tái chế xét trên góc độ kỹ thuật, một số doanh nghiệp tuyên bố cần “suy nghĩ lại cơ bản hơn về bao bì, sản phẩm và mô hình kinh doanh” để đạt được mục tiêu đề ra. 

Tái chế nhựa.
Tái chế nhựa. 

Khoảng 16% bao bì của các bên ký kết là bao bì linh hoạt như gói và màng, loại bao bì ngày càng khó tái chế lại trong thực tế và trên quy mô toàn diện vào năm 2025.

Đồng thời, báo cáo cũng cho thấy một số thương hiệu hàng đầu và các đại lý bán lẻ đã tăng gấp đôi việc sử dụng sản phẩm tái chế trong 3 năm qua, từ mức trung bình là 4,8% vào năm 2018 lên 10,0% năm 2021.

Graham Forbes, Trưởng dự án nhựa toàn cầu tại Greenpeace USA cho biết: “Báo cáo cho thấy, rõ ràng rằng những cam kết tự nguyện từ các công ty nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đã thất bại.”

“Thay vì nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, các thương hiệu lớn như Coca-Cola, PepsiCo và Mars đã tăng số lượng sản phẩm nhựa mà các doanh nghiệp sản xuất ra kể từ khi Cam kết toàn cầu EMF được đưa ra năm 2018.”

Báo cáo của EMF dội một gáo nước lạnh vào những cam kết của các tập đoàn lớn, đã ký vào bản dự án quy mô lớn nhằm loại bỏ sự ô nhiễm nhựa này.

Thực tế này báo động không thể phí phạm thêm thời gian, cần phối hợp hành động trên toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Mạng lưới doanh nghiệp vì một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ đẩy nhanh tiến trình buộc thế giới phải từ bỏ cách tư duy kinh doanh như thường lệ (business-as-usual) và mở ra kỷ nguyên mới với hy vọng có thể thực hiện được mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa

Quỹ Ellen MacArthur và WWF khởi xướng cuộc họp ngày 21 tháng 9 năm 2022 (tại New York - Mỹ), với sự tham gia của các doanh nghiệp toàn cầu trong chuỗi cung ứng nhựa, các tổ chức tài chính và các tổ chức phi chính phủ (NGO), đã để chia sẻ một tầm nhìn chung liên quan đến Hiệp ước toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa - một hiệp ước hiệu quả và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ.

Đã có 84 tổ chức, bao gồm các doanh nghiệp đa quốc gia, tổ chức tài chính và tổ chức phi chính phủ (NGO), tham gia nhóm họp nhằm tiếp nối các hoạt động đã được thực hiện để tăng thêm sức mạnh cho tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình đàm phán giữa các chính phủ. Các tổ chức cho rằng, Hiệp ước toàn cầu chính là cơ hội quan trọng nhất để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - nơi nhựa không còn là rác thải hay là nguồn gây ô nhiễm, mà giá trị từ các sản phẩm và vật liệu nhựa sẽ được bảo toàn trong nền kinh tế. Quá trình đàm phán hiệp ước dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, với mục tiêu thống nhất một lộ trình để chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa cho các thế hệ mai sau.

Về phía Việt Nam, chúng ta đã sớm tham gia đàm phán liên Chính phủ về giảm nhựa toàn cầu, tiến tới một công cụ ràng buộc pháp lý về giảm nhựa; đồng thời chủ động tham gia giảm rác thải nhựa đại dương bằng Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Triển khai quyết định này, hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg về Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận.

 D.A (Tổng hợp)