Trở lại quãng thời gian cuối năm 2019, đầu năm 2020 khi mầm bệnh mới bí ẩn và nguy hiểm lây lan từ Vũ Hán, Trung Quốc đã đẩy nhân loại vào ván bài đặt cược vaccine. Các báo động đỏ, các lệnh đóng cửa biên giới, dừng toàn bộ hoạt động kinh tế đã làm chao đảo cả thế giới, tất nhiên, trong đó có cả ngành dược phẩm. Tuy nhiên, các dấu hiệu từ Trung Quốc đã đủ rõ ràng để Giám đốc điều hành của Moderna, Stephane Bancel và Giám đốc BioNTech, Tiến sĩ Ugur Sahin nhận ra sự xuất hiện của một dịch bệnh mới.
Cả hai vị giám đốc chia sẻ với CNBC trong các cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu phát hành hôm thứ Sáu về cuộc chạy đua vắc xin: “Vào cái đêm mà Trung Quốc đóng cửa Vũ Hán, đó là lần cuối cùng tôi biết một thành phố bị đóng cửa vì bệnh truyền nhiễm”. Bancel cho biết ông thức dậy đổ mồ hôi lúc 4 giờ sáng và nhận ra: “Chúa ơi, sắp có đại dịch như năm 1918”. Còn Sahin đã đọc một bài báo trên tờ Lancet vào cuối tháng Giêng mô tả sự bùng phát ở Trung Quốc: “Tôi đã thực hiện một số cách tính nhanh và nhận ra dịch bệnh đã lan rộng và rõ ràng đã quá muộn để chặn đứng căn bệnh này”.
Sau tất cả, ông tin rằng BioNTech, khi đó chủ yếu tập trung vào các liệu pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa, có thể làm được điều gì đó. Ông cho biết, công ty của ông đã liên hệ với Pfizer, đề xuất nghiên cứu một loại vaccine chống virus Corona mới bằng cách sử dụng cùng một công nghệ RNA mà họ đã hợp tác để tìm cách chống lại bệnh cúm. “Chúng tôi đã có cuộc liên lạc đầu tiên vài ngày sau khi bắt đầu dự án” Sahin kể lại “Vào thời điểm đó, Pfizer vẫn chưa quan tâm lắm”.
Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer cho biết trong những tháng đầu năm 2020, ông tập trung vào việc duy trì hoạt động của công ty tại Trung Quốc. Nhưng đến cuối tháng 2, vị giám đốc đã xác định Pfizer cần phải nghiên cứu phương pháp điều trị và vaccine. Lúc này, Bourla hỏi nhóm nghiên cứu: “Đâu là cách tiếp cận lí tưởng nhất”. Kathrin Jansen, người đứng đầu nghiên cứu và phát triển vaccine của Pfizer, cho biết họ đã đánh giá tất cả các công nghệ hiện có, bao gồm vaccine dựa trên protein và vaccine sử dụng vectơ virus nhưng “tất cả đều có quá ít ưu và quá nhiều khuyết điểm”.
Các công ty khác tham gia vào cuộc đua trong những ngày đầu tiên đã có nhiều cách tiếp cận khác: Johnson & Johnson và AstraZeneca, hợp tác với Đại học Oxford, tập trung vào vaccine vecto siêu vi tương đối mới. Những công ty khác, như Sanofi và Novavax phụ thuộc vào công nghệ đã được chứng minh nhiều hơn trong vaccine dựa trên protein. Về phần công nghệ RNA vẫn có rủi ro bởi chưa bao giờ được sử dụng như một loại vaccine hoặc thuốc đã được phê duyệt. Bourla cho hay” “Tôi đã đấu tranh với quyết định này nhưng nhóm nghiên cứu đã thuyết phục tôi sau một cuộc họp”.
Đó cũng là thời điểm Sahin có cuộc gọi lần thứ hai với Pfizer. Ông kể lại, lúc bất giờ dịch bệnh đã tới New York, sau khi trao đổi với Jansen, phía BioNTech mô tả công việc đã và đang tiến hành, hỏi liệu Pfizer có muốn cùng chung tay không. Câu trả lời của Jansen rất quả quyết: “Tất nhiên rồi”.
Tại Moderna, tiến sĩ Stephen Hoge nhớ lại: “Ngay cả khi bước sang tháng 3, vẫn có những ý kiến cho rằng vaccine là hy vọng sai lầm. Có cảm giác rằng chúng tôi cần phải bảo vệ ý tưởng trong một khoảng thời gian. Hamilton Bennett, Giám đốc cấp cao về tiếp cận và quan hệ đối tác vaccine của Moderna hồi tưởng: “Khi chúng tôi nghĩ về việc làm thế nào để bước vào giai đoạn 1, chuẩn bị cho một trận chiến chống đại dịch trông như thế nào, có cảm giác như đôi mắt của thế giới này dõi theo chúng tôi với tư cách là một công ty công nghệ sinh học...”. “Chỉ đến khi WHO ra thông báo đây là một đại dịch toàn cầu, là trường hợp khẩn cấp, tôi nghĩ lúc này mọi người mới bắt đầu nhận ra rằng những gì chúng tôi đang làm không phải là chơi đùa cố gắng chứng minh công nghệ mà công ty sở hữu. Chúng tôi đang phát triển một loại vaccine ngăn chặn đại dịch”. Hiện, sự thành công của các công ty phát triển và sản xuất vaccine đã trở thành một trong những cuộc chạy đua y tế vĩ đại nhất trong lịch sử.
TL (theo CNBC)