Cú vấp ngã của một trong những kỳ lân từng hứa hẹn nhất Trung Quốc

09:43 13/06/2024

Royole đã từng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ với tư cách là một ngôi sao đang lên, được kỳ vọng sẽ đánh bại Samsung Electronics và những gã khổng lồ trong ngành khác trong lĩnh vực phát triển công nghệ.

Có thời điểm, startup này nằm trong số những kỳ lân hứa hẹn nhất của Trung Quốc cùng với DJI, công ty hàng đầu thế giới về máy bay không người lái hiện nay.
Có thời điểm, startup này nằm trong số những kỳ lân hứa hẹn nhất của Trung Quốc cùng với DJI, công ty hàng đầu thế giới về máy bay không người lái hiện nay.

Mới đây, Tòa án Nhân dân Trung cấp Thâm Quyến thông báo đã thụ lý vụ phá sản của Công ty công nghệ Royole Thẩm Quyến. Royole đã nộp đơn xin phá sản từ ngày 15/5. Các chủ nợ sẽ phải khai báo yêu cầu bồi thường trước 30/8, sau đó có phiên họp đầu tiên ngày 13/9 trước sự chứng kiến của tòa án.

Theo Passionate Geekz, động thái mới của Royole được xem như dấu chấm hết cho startup từng tạo dấu ấn lớn với loạt thiết bị màn hình gập, trong đó có điện thoại FlexPai giá 1.300 USD vào năm 2018 và được xem là smartphone gập đầu tiên trên thế giới được thương mại hóa.

Thông tin Royole phá sản đã xuất hiện từ tháng 3, nhưng công ty phủ nhận vào ngày 1/4, nhấn mạnh mọi hoạt động kinh doanh vẫn bình thường. Người đại diện nói tin đồn xuất phát từ nhóm nhân viên cũ - những người đang kiện công ty liên quan đến tranh chấp quyền chọn cổ phiếu.

Royole được thành lập vào năm 2012 ở Thâm Quyến bởi CEO Bill Liu, người tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tại hai trường danh tiếng là Đại học Thanh Hoa và Đại học Stanford. Startup này đã tiết lộ smartphone gập đầu tiên trên thế giới vào năm 2018, bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm sau đó.

Royole đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ với tư cách là một ngôi sao đang lên, được kỳ vọng sẽ đánh bại Samsung Electronics và những gã khổng lồ trong ngành khác trong lĩnh vực phát triển công nghệ. Có thời điểm, startup này nằm trong số những kỳ lân hứa hẹn nhất của Trung Quốc cùng với DJI, công ty hàng đầu thế giới về máy bay không người lái hiện nay.

Từ khi thành lập, công ty đã được các quỹ danh tiếng như IDG Capital, AMTD Group và Knight Capital đổ tiền thông qua nhiều vòng tài trợ. Theo PanDaily, Royole là một trong những kỳ lân phát triển nhanh nhất trên thế giới. Đến năm 2020, họ được định giá 6 tỷ USD. 

Thế nhưng, ánh hào quang chẳng kéo dài được bao lâu khi những thông tin về việc Royole gặp khó khăn tài chính bắt đầu xuất hiện. Báo cáo tài chính của công ty cho thấy, từ năm 2017 đến nửa đầu năm 2020, Royole đã lỗ ròng gần 4,48 tỷ USD (tương đương 32 tỷ Nhân dân tệ) trong khi tổng doanh thu chỉ đạt 700 triệu USD (tương đương 5 tỷ Nhân dân tệ). Những khoản nợ khổng lồ cùng với việc không thể IPO thành công đã đẩy Royole vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Cao điểm của cuộc khủng hoảng là vào ngày 15/5/2024, Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) đã ra quyết định thụ lý vụ án phá sản của Royole.

Đáng chú ý, không chỉ Royole mà hai công ty con của họ là Royole Electronics và Royole Display cũng đang trong quá trình phá sản.

Những con số biết nói từ Tianyancha - một nền tảng cung cấp thông tin doanh nghiệp của Trung Quốc đã phần nào cho thấy bức tranh ảm đạm của Royole. Tính đến thời điểm hiện tại, Royole đang có 32 thông tin về việc bị tòa án cưỡng chế thi hành án với tổng số tiền lên tới hơn 4,18 tỷ USD (tương đương 29,87 tỷ Nhân dân tệ). Ngoài ra, 18 vụ việc đã được giải quyết với tổng giá trị tài sản bị cưỡng chế thi hành án là 14,56 triệu USD (tương đương 104 triệu Nhân dân tệ), nhưng tỷ lệ thi hành án chỉ đạt 0,1%. Hai công ty con của Royole là Royole Electronics và Royole Display cũng đang gánh khoản nợ lần lượt là 3,87 tỷ USD (tương đương 27,65 tỷ Nhân dân tệ) và 4,14 tỷ USD (tương đương 29,55 tỷ Nhân dân tệ).

Sự kiện Royole đối mặt với nguy cơ phá sản là lời cảnh tỉnh cho các startup công nghệ về những cạm bẫy trên con đường chinh phục thị trường. Việc sở hữu công nghệ đột phá như màn hình gập không phải là "tấm vé vàng" đảm bảo thành công. Thay vào đó, các yếu tố như chiến lược kinh doanh bài bản, khả năng quản lý tài chính hiệu quả, và đặc biệt là khả năng thương mại hóa sản phẩm mới là chìa khóa then chốt quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Thu Hà (T/h)

Tags: