Công ty đứng sau cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế vỡ nợ trái phiếu

15:53 19/09/2023

Tình cảnh vỡ nợ của tập đoàn truyền thông Thái Lan không đến từ kết quả kinh doanh mà từ những bước đi đa dạng hóa quá mức, trong đó bao gồm cả việc mua lại đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tờ Nikkei mới đây đưa tin, JKN Global Group, chủ sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế, đã bị vỡ nợ. Công ty không thể hoàn trả khoản trái phiếu doanh nghiệp trị giá 443 triệu baht (12 triệu USD) đáo hạn vào ngày 1/9.

Trên sàn chứng khoán, giới đầu tư cũng “ngoảnh mặt” với cổ phiếu JKN Global. Tính tới ngày 18/09, cổ phiếu JKN Global ở mức 1.23 Bath/cp, giảm 70% so với đầu năm.

Trên thực tế, tình cảnh vỡ nợ của tập đoàn truyền thông Thái Lan không đến từ kết quả kinh doanh mà từ những bước đi đa dạng hóa quá mức, trong đó bao gồm cả việc mua lại đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Được thành lập từ 10 năm trước, JKN Global là đế chế truyền thông thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Jakkaphong Jakrajutatip. Tại xứ sở chùa vàng, Jakkaphong Jakrajutatip được mệnh danh là bà trùm truyền thông và là doanh nhân chuyển giới thành công nhất.

Năm ngoái, JKN đạt được thỏa thuận mua lại quyền sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, vốn do cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump đồng sở hữu từ năm 1996 đến năm 2002. Theo báo cáo, JKN đã chi khoảng 20 triệu USD để thâu tóm Miss Universe.

Về tình hình kinh doanh, tập đoàn truyền thông Thái Lan vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong 5 năm gần đây. Gần đây nhất, JKN Global ghi nhận doanh thu thuần 1.5 tỷ Bath và lãi ròng 102 triệu Bath trong 6 tháng đầu năm, tăng 51% và 33% so với cùng kỳ.

“Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh nhờ việc tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn vũ và mở rộng sản phẩm, dịch vụ liên quan tới cuộc thi”, bà Jakkaphong chia sẻ.

Tuy vậy, Công ty này vẫn lâm vào cảnh thiếu thanh khoản khi cố gắng đa dạng hóa và mở rộng hoạt động kinh doanh quá nhiều.

Anne Jakkaphong Jakrajutatip - Giám đốc điều hành của JKN Global Group, trở thành chủ sở hữu mới của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Anne Jakkaphong Jakrajutatip - Giám đốc điều hành của JKN Global Group, chủ sở hữu của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Đây là trường hợp vỡ nợ mới nhất tại xứ sở chùa vàng trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) liên tục tăng lãi suất, dẫn đến chi phí huy động vốn đắt đỏ hơn và khiến một số doanh nghiệp không thể tìm kiếm được nguồn vốn cần thiết để trả nợ.

Các tổ chức phát hành cũng đang bị siết chặt bởi sự thận trọng ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với việc mua trái phiếu không được đảm bảo bằng tài sản thế chấp.

“Các vụ vỡ nợ gần đây ở nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp khác nhau đã khiến tâm lý chung trên thị trường trái phiếu Thái Lan chùng xuống, dẫn đến giá trị giao dịch sụt giảm”, Kasem Prunratanamala, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của CGS-CIMB Securities (Thái Lan), nói.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Thái Lan (TBMA), tính đến ngày 31-8, có 7 công ty đại chúng của Thái Lan trễ thời hạn mua lại trái phiếu với tổng trị giá 19 tỉ baht (541 triệu đô la). Con số này nhiều hơn sáu vụ vỡ nợ trái phiếu với tổng trị giá 13,5 tỉ baht của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan từ năm 2016 đến năm 2022.

Các doanh nghiệp trên hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quản lý tài sản, phát triển bất động sản đến điện tử, năng lượng tái tạo. Các vấn đề về thanh khoản của họ phản ánh nhu cầu vẫn còn yếu khi Thái Lan vẫn đang xoay xở để lấy lại động lực tăng trưởng trước Covid-19.

Nhà phát triển bất động sản All Inspire Development đã không hoàn trả được 7 lô trái phiếu trị giá 2,3 tỉ baht trong khi Công ty quản lý tài sản Asia Capital Group vỡ nợ trái phiếu trị giá 2,6 tỉ baht.

Các chủ nợ của All Inspire Development đã chấp thuận cho đại diện của họ, Ngân hàng Ayudhya, tiến hành khởi kiện buộc công ty phải hoàn trả 2,3 tỉ baht càng sớm càng tốt.

Tòa án đã thụ lý vụ việc và phiên tòa sẽ bắt đầu vào tháng 10.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Thái Lan phần nào phản ánh nhu cầu tại Thái Lan vẫn còn yếu sau đại dịch Covid-19. Chưa kể, chúng cũng làm giảm niềm tin không chỉ vào ngành tài chính mà còn cả các cơ quan quản lý của Thái Lan.

Ông Terdsak Taweethiratham, Phó chủ tịch của Asia Plus Securities, nhận định trước tình hình hiện tại, các nhà đầu tư sẽ hết sức thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp. Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu nhằm mở rộng kinh doanh hoặc đảo nợ hiện tại.

“Các tổ chức phát hành trái phiếu và bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải làm việc vất vả kể từ bây giờ vì các nhà đầu tư trở nên rất thận trọng”, ông nói.

Một số nhà phân tích dự đoán các doanh nghiệp Thái Lan sẽ phải huy động vốn bằng cách vay ngân hàng. Thế nhưng, nếu vay ngân hàng, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với lãi suất ngày càng tăng, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 9 năm qua ở Thái Lan.

Có thể còn nhiều rắc rối phía trước. Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Thái Lan đã đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư đối với trái phiếu do công ty phát triển bất động sản Risland có trụ sở tại Hong Kong phát hành ngày 19/10 năm ngoái, với lý do công ty này bị hạ xếp hạng gần đây. 

Fitch Rating (Thái Lan) đã hạ xếp hạng của Risland từ hạng đầu tư xuống hạng đầu cơ do dòng tiền của công ty đang suy giảm và tác động từ nền kinh tế ảm đạm của Trung Quốc đối với hoạt động của công ty tại đây.

Minh Phương (t/h)