Một trong số đó có thể kể đến Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu (ACP) – một thành viên của Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu AIG (Asia Ingredients Group) đã luôn duy trì sức mua 150 - 200 tấn/ngày kể từ quý II để đẩy mạnh và duy trì cuộc sống người dân, góp phần ổn định nền kinh tế tỉnh nhà.
Đồng thời trong giai đoạn giá dừa khó khăn, giảm đến 50% so với giá trung bình cùng kỳ năm trước, ACP cũng đã nỗ lực đưa ra mức giá mua bình ổn với mục tiêu phát triển bền vững, tạo dựng niềm tin và đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoa – Chuyên viên Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Bến Tre, trong năm 2022, tình hình sản xuất dừa của Bến Tre gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, nên năng suất dừa cũng khá ổn định, có hướng phát triển về diện tích. Tuy nhiên do tình hình thị trường đầu ra xuất khẩu cũng giảm, đối với cả các sản phẩm chế biến từ dừa và dừa uống nước.
Năm 2022, giá dừa xuống quá thấp, người nông dân gặp nhiều khó khăn. Tính bình quân năm thì giá dừa giảm khoảng 50% so với năm 2021. Đối với các hộ dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và liên kết sản xuất dừa hữu cơ thì được các doanh nghiệp hỗ trợ về một số chính sách như hỗ trợ phân bón, hay hỗ trợ mỗi hecta 1 triệu đồng như bên công ty Á Châu, để bà con nông dân có phần chi phí đầu tư sản xuất dừa. Hiện tại Sở Nông nghiệp cũng đang đề xuất UBND tỉnh xem xét chính sách hỗ trợ người nông dân trông dừa gói cho vay ưu đãi”
Ông Nguyễn Bá Ký – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu:“Trước đây thì giá dừa vẫn không ổn định, vì phụ thuộc xuất khẩu đi Trung Quốc, Thái Lan nên cũng có bất ổn lên xuống giá. Năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng sụt giảm, các nhà máy sản xuất về dừa cũng cầm chừng, đơn hàng ít khiến nhiều nhà máy đóng cửa. Đặc biệt xuất khẩu đi Trung quốc bị ảnh hưởng nhiều, giá dừa lúc đó đang ở trạng thái dư, giá rẻ. Để bình ổn giá, giúp bà con nông dân trong giai đoạn này thì công ty chúng tôi giữ một mức giá sản bình ổn, để ổn định sản xuất và cam kết với người nông dân ở những vùng nguyên liệu mà đang hợp tác lâu nay. Đối với những tháng gần đây thì trung bình chúng tôi duy trì nhập khoảng 150 tấn 1 ngày. Đến thời điểm này dù đầu ra có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã đạt được khoảng 80% kế hoạch kinh doanh đầu năm”.
Tin tưởng vào tiềm năng của trái dừa Việt Nam cũng như cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, Công ty ACP tiếp tục theo đuổi hành trình mở rộng sản xuất, xuất khẩu để mang các sản phẩm từ dừa Việt Nam ra thị trường thế giới. Với kinh nghiệm vốn có cũng như tích cực nắm bắt những thông tin về nhu cầu, yêu cầu của thị trường, công ty tiếp tục hợp tác kinh doanh với nông dân một cách bền vững, trên tinh thành đồng hành phát triển chứ không chỉ ra quan hệ mua-bán thông thường.
Đại diện doanh nghiệp địa phương, ông Lê Văn Toàn – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã dừa Toàn Mỹ, tỉnh Bến Tre cho biết: “Trong thời gian vừa qua giá dừa tại Bến Tre nói chung cũng như các nơi thu mua của chúng tôi nói riêng, tất cả đều bị ảnh hưởng và sụt giảm liên tục, giá từ 60-70 ngàn rớt xuống hiện nay còn 30-35 ngàn/12 trái. Về đầu ra thì chúng tôi vẫn ổn định, vì chúng tôi cung cấp trực tiếp vào công ty chế biến dừa Á Châu, nên sản lượng đầu vào cũng như đầu ra được duy trì ổn định. Sản lượng bình quân mỗi tuần chúng tôi vẫn cung cấp cho công ty dừa Á Châu khoảng 30 tấn dừa”.
Hiện nay, tình hình tiêu thụ các sản phẩm đồ uống từ dừa của thị trường Mỹ và châu Âu đang có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Nguyên nhân là do sản phẩm Việt Nam đang phù hợp với xu hướng tiêu dùng clean-based từ thực vật tại các thị trường này. Nói cách khác, họ chuyển dần sang tiêu thụ nước dừa hay sữa thực vật thay vì những sản phẩm sữa động vật.
Các sản phẩm của ACP hiện đã tiếp cận tới nhiều thị trường như Châu Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Mỹ. Chẳng hạn, tại thị trường châu Âu, trong đó cụ thể bao gồm các quốc gia như Đức, Hà Lan, Pháp, Ba Lan, Phần Lan, Na Uy, Cộng Hòa Séc... Công ty đã cung ứng cả nguyên liệu và sản phẩm dừa tiêu dùng như coconut milk, nước dừa VICO…
Mị Dung