Công nghệ số: Là bạn hay là thù trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu?

17:00 13/10/2021

Từ năng lượng để sản xuất điện thoại thông minh hay đến gửi email cũng tạo ra khí thải carbon, cái giá phải trả cho công nghệ và internet là biến đổi khí hậu. Nhưng công nghệ kỹ thuật số có thể là một phần của giải pháp này hay không?

Liệu công nghệ kỹ thuật số có thể trở thành một phần giải pháp vấn đề biến đổi khí hậu?

Liệu công nghệ kỹ thuật số có thể trở thành một phần giải pháp vấn đề biến đổi khí hậu? (Ảnh: AFP) 

Trí tuệ nhân tạo

Trong số nhiều hạng mục của chương trình nghị sự COP26, các nước đang chuẩn bị lộ trình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chống biến đổi khí hậu. AI dựa vào các phép tính phức tạp của máy tính công suất lớn có thể tiêu thụ một lượng lớn năng lượng. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Massachusetts, việc đào tạo một hệ thống thuật toán AI duy nhất có thể sử dụng gần gấp 5 lần lượng khí thải do một chiếc ô tô tạo ra trong suốt thời gian tồn tại.

Mặt khác, AI đã và đang giúp làm cho một loạt các quy trình công nghiệp tiết kiệm năng lượng hơn, chỉ đơn giản bằng cách thực hiện các phép tính mà con người không thể thực hiện được. Công ty tư vấn PwC ước tính rằng việc sử dụng AI nhiều hơn trong bốn lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, bao gồm nông nghiệp và giao thông, có thể cắt giảm 4% lượng khí thải toàn cầu.

Tuy nhiên, Peter Clutton-Brock, đồng sáng lập Trung tâm AI và Khí hậu, cho biết trí tuệ nhân tạo không phải là "viên đạn bạc" có thể đảo ngược biến đổi khí hậu. Ông nói: “Mặc dù vậy tôi thấy có một số ứng dụng thực sự thú vị và hấp dẫn, bao gồm sử dụng AI để phân tích dữ liệu về nạn phá rừng và băng tan trên biển, dự đoán tốt hơn những khu vực sẽ bị ảnh hưởng tiếp theo.

Ứng dụng và công cụ tìm kiếm

Nhiều ứng dụng khác nhau ước tính lượng khí thải do đi ô tô hoặc máy bay tạo ra, trong khi những ứng dụng khác cho phép người mua hàng quét các mặt hàng và xem thông tin về mức độ thân thiện với môi trường. Tuần trước, Google đã công bố các chỉnh sửa đối với các công cụ tìm kiếm để hiển thị những cung đường tiết kiệm nhiên liệu nhất và hiển thị thông tin khí thải cho các chuyến bay. Trong khi đó, công cụ tìm kiếm Ecosia sử dụng lợi nhuận từ quảng cáo để chi trả cho việc trồng lại rừng với hơn 135 triệu cây đã được trồng cho đến nay.

Làm việc từ xa

Chuyển hướng làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch có tốt cho môi trường không? Các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Năm ngoái, lượng lớn người đi làm phải nghỉ tại nhà do ảnh hưởng đại dịch đóng góp một phần giảm lượng khí thải toàn cầu. Nhưng làm việc trực tuyến có nghĩa là nhân viên vẫn sử dụng năng lượng, đặc biệt vào mùa đông cần sưởi ấm nhà cửa.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế phát hiện ra rằng nếu tất cả nhân viên ở nhà một ngày một tuần, lượng khí thải toàn cầu có thể cắt giảm được 24 triệu tấn, tương đương với lượng khí thải của London trong một năm.

Điện toán đám mây

Trong nhiều năm, người ta lo ngại rằng các trung tâm dữ liệu khổng lồ, ngốn năng lượng mà Internet phụ thuộc có thể trở thành nhân tố chính gây ra biến đổi khí hậu. Nhưng một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science năm ngoái chỉ ra những nỗi sợ hãi này đã không thành hiện thực. Đến năm 2018, các trung tâm dữ liệu vẫn chỉ tiêu thụ khoảng một phần trăm điện năng trên thế giới, bất chấp nhu cầu lưu trữ dữ liệu tăng cao. Ví dụ, Google đã sử dụng AI để giảm 40% chi phí làm mát các trung tâm dữ.

Những thành phố thông minh

Liên hợp quốc ước tính rằng các thành phố chiếm 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Và với dự báo dân số đô thị sẽ ngày càng gia tăng, việc thiết kế các thành phố tiết kiệm năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Internet vạn vật (IoT) kết nối các đối tượng với cảm biến có thể tương tác và đưa ra quyết định thông minh đã được sử dụng trong thiết kế đô thị. Chẳng hạn, một dự án thí điểm ở Amsterdam đã sử dụng IoT để hướng dẫn người lái xe đến những chỗ đậu xe trống, giảm thời gian lái xe quanh thành phố để tìm kiếm vị trí thích hợp.

TL (theo Japan Today)