Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ, mô hình giáo dục truyền thống được dự báo sẽ thay đổi trong 10 năm tới. Theo đó, nền giáo dục tự động hóa sẽ đóng vai trò chủ chốt. Giáo viên chỉ làm trợ giảng, hỗ trợ chuẩn bị dụng cụ cho buổi học. Việc truyền đạt kiến thức sẽ do robot đảm nhiệm.
Ngành giáo dục Phần Lan vừa đưa Elias vào trường tiểu học để dạy ngoại ngữ. Elias là robot hình người có thể nói và hiểu 23 ngôn ngữ. Đặc biệt, phần mềm cài đặt trong Elias cho phép hiểu những yêu cầu của học sinh để điều chỉnh câu hỏi cho phù hợp và khuyến khích học sinh học tập.
Robot Pepper và hỗ trợ các giáo viên tại trường mẫu giáo ở Singapore.
Tuy nhiên, khác với giáo viên robot của Phần Lan, Hàn Quốc sử dụng tới hai loại robot để dạy ngoại ngữ. Một loại tự động với tính năng nhận dạng giọng nói. Loại kia được giáo viên điều khiển từ xa và trao đổi với học sinh thông qua camera và microphone.
Ngoài lợi thế về sự kiên nhẫn, robot có khả năng chứa đựng lượng kiến thức khổng lồ hơn bất cứ giáo viên con người nào và tạo ra môi trường học tập chỉ một "thầy" và một trò.
Hơn thế, giáo viên robot còn giúp những học sinh có vấn đề về sức khỏe và sự phát triển, giảm bớt những bất lợi và khai thác thế mạnh để bù đắp khiếm khuyết. Robot cũng sẽ là giáo viên "công bằng" nhất. Tất cả học sinh đều có thể có được giáo viên giỏi nhất và một chương trình học hoàn toàn cá nhân hóa.
GS. Tony Wagner (Đại học Harvard) từng chia sẻ: “Thế giới ngày nay không quan tâm kiến thức của sinh viên là gì, mà quan trọng là sinh viên làm được gì với kiến thức đó”. Vì thế, vai trò của người giáo viên thời 4.0 không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng tương lai. Một nghiên cứu của tổ chức Economist Intelligence Unit năm 2017 đã chỉ ra rằng, để thành công trong môi trường đầy biến động trong tương lai, những kỹ năng mà người trẻ cần có là: kỹ năng liên ngành, sáng tạo và phân tích, kinh doanh, lãnh đạo, kỹ năng số và kỹ thuật, nhận thức toàn cầu, ý thức công dân.
Thời đại 4.0 đặt ra bao nhiêu thách thức và cơ hội cho người trẻ là bấy nhiêu thách thức và cơ hội cho người thầy. Thế nên, giáo viên trong thời đại 4.0 cần chủ động mở rộng tầm nhìn, tư duy và phát triển bản thân, đây là những điều kiện tiên quyết để đào tạo nên những công dân toàn cầu.
Long Ngọc