Thông báo ngừng hoạt động của TikTok tại Mỹ hôm 19/1. Ảnh: AP. |
Ngày hôm nay, 19/1, là thời điểm cuối cùng để ByteDance phải thoái vốn hoàn toàn khỏi ứng dụng TikTok, đồng thời phải bán lại quyền quản lý của ứng dụng này cho một pháp nhân tại Mỹ, nếu không TikTok sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ.
Tuy nhiên, Reuters đưa tin TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ vào khuya 18/1 ngay trước khi chính thức bị cấm. Ứng dụng TikTok và các ứng dụng của công ty mẹ ByteDance như CapCut hay Lemon8 không còn xuất hiện trên kho ứng dụng của Apple và Google.
"Một luật cấm TikTok đã được ban hành ở Mỹ. Không may, điều đó đồng nghĩa các bạn không thể sử dụng TikTok từ giờ. Chúng tôi may mắn khi Tổng thống (đắc cử Donald) Trump đã báo hiệu rằng ông ấy sẽ làm việc với chúng tôi về một giải pháp để khôi phục TikTok một khi ông ấy nhậm chức. Xin hãy chờ cập nhật", TikTok thông báo.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4/2024 ký ban hành Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA), trong đó yêu cầu TikTok phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc hoặc bị cấm hoàn toàn ở Mỹ trước ngày 20/1. Đây cũng là thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Trước lệnh cấm Tiktok, trả lời phỏng vấn NBC News ngày 18/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói "nhiều khả năng" ông sẽ cho TikTok thêm 90 ngày để cắt đứt với cổ đông Trung Quốc, giúp công ty tạm thoát lệnh cấm hoạt động tại Mỹ từ ngày 19/1.
"Việc gia hạn 90 ngày là điều nhiều khả năng nhất sẽ diễn ra, bởi nó phù hợp. Nếu tôi quyết định làm vậy, có lẽ tôi sẽ công bố vào ngày 20/1", ông Trump nói, nhắc đến ngày nhậm chức của ông.
Với hơn 170 triệu người dùng, TikTok đang là một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Mỹ. TikTok đã trở thành công cụ giải trí hoặc kiếm tiền của nhiều người dùng tại quốc gia này, đặc biệt là giới trẻ.
Quyết định cấm TikTok tại Mỹ đã tạo ra một làn sóng phản ứng trái chiều trong cộng đồng người dùng. Những nhà sáng tạo nội dung – lực lượng gắn bó và phụ thuộc nhiều nhất vào nền tảng này, là nhóm cảm thấy mất mát sâu sắc nhất. Với họ, TikTok không chỉ là nơi thể hiện cá tính sáng tạo mà còn là nguồn thu nhập chính từ các nội dung video ngắn được hàng triệu người yêu thích.
Quyết định cấm TikTok tại Mỹ đã tạo ra một làn sóng phản ứng trái chiều trong cộng đồng người dùng (Ảnh: CNA). |
Người dùng phổ thông cũng không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. TikTok vốn là nơi để kết nối bạn bè, chia sẻ niềm vui và quan trọng nhất là cung cấp một nguồn giải trí đa dạng. Những video ngắn đầy màu sắc và sáng tạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của giới trẻ. Nay, khi nền tảng này biến mất, họ buộc phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế nhưng khó lòng có được trải nghiệm tương tự.
Trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, X, Threads… nhiều người dùng tại Mỹ đã bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể tiếp tục sử dụng TikTok. Một số người cho biết, họ đã phải tìm cách dùng các ứng dụng mạng riêng ảo (VPN) với hy vọng có thể tiếp tục truy cập và sử dụng TikTok.
Không chỉ người dùng cá nhân, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. TikTok từ lâu đã là một mảnh đất màu mỡ để quảng cáo, với khả năng tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả đến đối tượng trẻ tuổi. Giờ đây, các công ty buộc phải gấp rút điều chỉnh chiến lược, chuyển hướng ngân sách sang các nền tảng khác như Instagram, Facebook và YouTube. Điều này không chỉ đòi hỏi thời gian mà còn làm tăng chi phí, trong khi hiệu quả tiếp cận vẫn là một dấu hỏi lớn.
Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dùng ủng hộ lệnh cấm TikTok, xem đây là quyết định cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Họ cho rằng, việc dữ liệu cá nhân có nguy cơ bị thu thập bởi các thực thể nước ngoài là mối đe dọa tiềm tàng. Một số ý kiến còn cho rằng, việc cấm TikTok có thể giúp giới trẻ giảm bớt thời gian dán mắt vào màn hình và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động thực tế hơn.
Tìm đến ứng dụng thay thế?
Sự biến mất của nền tảng Tiktok có thể nói đã gây ra nhiều vấn đề về tài chính với các doanh nghiệp liên quan. Ở phía người dùng, nỗi lo nền tảng đóng cửa cũng khiến nhiều người phải chuyển dần sang các nền tảng khác.
Đặc biệt, nhiều ngày qua, hàng chục ngàn người dùng Mỹ đã tìm giải pháp mạng xã hội mới mang tên RedNote (tên Trung Quốc là Xiaohongshu).
Reuters khẳng định, mạng xã hội RedNote - ứng dụng được xem là Instagram của Trung Quốc, kết hợp cả ảnh, video và cập nhật cuộc sống - đã trở thành ứng dụng được tìm kiếm hàng đầu trên các kho ứng dụng ở Mỹ.
Trước lệnh cấm Tiktok, người dùng Mỹ đã chuyển sang ứng dụng thay thế RedNote |
Lý giải cho hiện tượng này, CNBC cho rằng, nhiều nhà sáng tạo nội dung trên TikTok đang vội vã tìm kiếm các giải pháp thay thế trong khi chờ xem điều gì sẽ xảy ra với TikTok.
Một nhà sáng tạo nội dung, có tên là allieusyaps, cho biết, khi TikTok bị cấm ở Mỹ, anh và nhiều nhà sáng tạo khác "sẽ không quay lại Instagram và Facebook" vì họ đã tham gia RedNote.
Một nhà sáng tạo TikTok khác tên là Krystan Walmsley đã đăng một video ngắn hướng dẫn mọi người cách thiết lập và trang trí tài khoản RedNote. "Ứng dụng này rất dễ thương và cho đến nay rất thú vị", tài khoản Walmsley nói.
Quyết định cấm TikTok tại Mỹ rõ ràng không chỉ là một câu chuyện đơn thuần về một ứng dụng bị chặn. Nó đã tạo ra những tác động dây chuyền, từ cá nhân người dùng đến cả nền kinh tế kỹ thuật số, khiến nhiều người không khỏi tự đặt câu hỏi: Đâu là ranh giới giữa bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền tự do cá nhân trong thời đại số hóa?