Còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển cho ngành chế biến nông sản xuất khẩu

21:40 12/05/2023

Thống kê cho thấy, các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, ngành chế biến nông sản xuất khẩu còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển. Đặc biệt như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, trong đó đặt định hướng xuất khẩu đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cần tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao với, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng. Theo Bộ Công Thương, dù sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất khẩu, các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 12.000 cơ sở chế biến nông sản; tuy nhiên hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu hiện nay là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ chiếm 98% cơ sở sản xuất, sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến ít, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ để phát triển chế biến, chưa hình thành rộng khắp sản xuất - chế biến – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên sản xuất thiếu ổn định và hiệu quả thấp.

Hạn chế cũng được nhìn nhận là do ngành công nghiệp thực phẩm đòi hỏi đầu tư lớn về nghiên cứu khoa học công nghệ, kỹ thuật và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ; lượng cơ sở chế biến áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm còn ít, chưa hoặc khó đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế. Hơn nữa các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, nhiều sơ sở thiếu vốn đầu tư sản xuất mở rộng...

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, tỉnh Hải Dương đã tập trung hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; hệ thống cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường; hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng tính ổn định của việc cung cấp điện, nước, viễn thông, hạ tầng giao thông. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... như miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động, hỗ trợ lãi suất vốn vay, chi phí xây dựng… Áp dụng hệ số giá thuê đất thấp nhất trong khung quy định của UBND tỉnh khi tính toán tiền thuê đất cho các DN; hay đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương.

Ngọc Phi (TH)