Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa năm nay ước tính đạt 3.306,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 142,8 tỉ đô la), chiếm 75,21% tổng mức và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,6%; may mặc tăng 12,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,5%; phương tiện đi lại tăng 11,1%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2018 ước tính đạt 539,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,27% tổng mức và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành năm nay ước tính đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,93% tổng mức và tăng 14,13% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 2018 ước tính đạt 509,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,58% tổng mức và tăng 9,83% so với cùng kỳ năm 2017.
|
Chuỗi bán lẻ Coopmart được người tiêu dùng ưa chuộng |
Một số địa phương có mức tăng doanh thu bán lẻ khá như Vĩnh Phúc tăng 14,9%; Hải Phòng tăng 13,9%; Thanh Hóa tăng 13,5%; TP Hồ Chí Minh tăng 13,2%; Nghệ An tăng 13%; Hà Nội tăng 11%.
Thương mại nội địa giữ vững được đà tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số, qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự phát triển nhanh chóng với sự góp mặt của nhiều tên tuổi bán lẻ lớn trên thế giới. Đặc biệt, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với các tên tuổi như Vinmart, CoopMart ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng cả ở mảng siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi do sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá thành cạnh tranh.
Để bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, công tác kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội được triển khai tích cực, thông qua việc triển khai tích cực các Chương trình bình ổn thị trường đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi phát luồng hàng hóa và thường có biến động giá, ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước; Phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, quản lý giá sữa để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung khi các hàng hóa dịch vụ khác như phí giáo dục, phí y tế đang được điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường trong thời gian vừa qua, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%).
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dù cung cầu hàng hóa được bảo đảm nhưng còn thiếu tính bền vững do thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng nông sản nên thị trường rất dễ bị các biến động cục bộ do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Khi thị trường có biến động (dư cung hoặc cầu tăng đột biến), các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công cụ điều tiết bình ổn thị trường.
Thị trường bán lẻ trong nước tuy đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn nhưng vẫn được giới chuyên gia nhận định là mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, cơ hội vẫn còn nhiều cho những người đến sau, nhất là những ai biết ứng dụng công nghệ, biết tạo sự khác biệt và mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng…
Theo các chuyên gia, bên cạnh công nghệ, việc chủ các chuỗi và kênh bán hàng biết tạo ra sự khác biệt sẽ là một lợi thế lớn để thu hút khách hàng trong bối cảnh điểm bán mới của các nhà bán lẻ hiện hữu đang nở rộ khắp nơi và thị trường dự báo sẽ xuất hiện thêm những nhân tố mới.
Phương Lan