![]() |
Hiện CEO Jensen Huang sở hữu tài sản 103 tỷ USD, xếp thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất thế giới |
Dù đưa ra dự báo doanh thu khả quan hơn dự kiến, cổ phiếu Nvidia vẫn lao dốc hơn 8% trong phiên giao dịch ngày 27/2, khiến giá trị vốn hóa thị trường của hãng giảm 274 tỷ USD, xuống còn hơn 2.900 tỷ USD, theo Reuters.
Đà giảm sâu của cổ phiếu Nvidia cũng khiến CEO Jensen Huang chịu tổn thất lớn nhất trong giới tỷ phú ngày 27/2, khi khối tài sản của ông sụt giảm 9,3 tỷ USD. Hiện ông Huang sở hữu 103 tỷ USD, xếp thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Tính từ đầu năm, tài sản của ông đã hao hụt gần 12 tỷ USD.
Hôm qua, hãng chip Mỹ công bố báo cáo tài chính cho tài khóa 2025 (kết thúc vào tháng 1). Theo đó, doanh thu cả năm đạt 130 tỷ USD, tăng 114% so với năm ngoái. Lợi nhuận cũng lên gấp đôi với 74,3 tỷ USD.
Nvidia dự báo hãng tiếp tục tăng trưởng. Doanh thu quý này có thể tăng 65% lên 43 tỷ USD, vượt kỳ vọng của giới phân tích. Nvidia báo hiệu rằng họ sẽ có một quý kinh doanh mạnh mẽ để bắt đầu năm tài chính 2026 và các vấn đề sản xuất chip thế hệ tiếp theo, Blackwell, đã được giải quyết phần lớn.
Dù kết quả kinh doanh và triển vọng của Nvidia vẫn tăng, nhưng sức tăng không đủ gây ấn tượng với các nhà đầu tư vốn có kỳ vọng cao, cổ phiếu của công ty hiện đã giảm gần 20% so với mức đóng cửa cao kỷ lục vào ngày 6 tháng 1.
Năm 2023, cổ phiếu Nvidia tăng gần 240% và năm 2024 tăng 171%. Hãng này đã 3 lần vượt Apple để giành vị trí công ty giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, diễn biến phiên vừa qua đã khiến họ để mất ngôi vị này về tay Apple. Nvidia hiện là công ty giá trị thứ 2 thế giới, sau Apple và đứng trước Microsoft.
Nhà đầu tư thậm chí từng kỳ vọng báo cáo tài chính của Nvidia sẽ giúp thổi bùng lại làn sóng tăng giá của các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt sau khi nhóm "7 gã khổng lồ" đạt đỉnh vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi. Gần đây, startup Trung Quốc DeepSeek đã ra mắt một mô hình AI giá rẻ, sức nóng của startup này như cơn gió lớn thổi bay gần 600 tỉ USD vốn hoá của Nvidia (tính đến 28/1). Đương nhiên, khi vốn hóa của tập đoàn công nghệ này sụt giảm, tài sản của CEO Jensen Huang cũng bốc hơi theo.
CEO Jensen Huang sinh năm 1963 tại Đài Loan (Trung Quốc), đam mê máy tính từ thời trung học, sau đó theo học ngành khoa học máy tính và thiết kế chip tại Đại học Bang Oregon (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển đến sống tại Thung lũng Silicon và bắt đầu sự nghiệp tại AMD, đối thủ của Intel.
Năm 1992, ông nhận bằng thạc sĩ kỹ thuật điện tại Stanford. Trong thời gian làm tại LSI Corp., ông gặp Malachowsky và Curtis Priem và những người sau này sau đó quyết định thôi việc, cùng ông sáng lập Nvidia vào năm 1993 với số vốn chỉ 40.000 USD.
Hành trình để trở thành lãnh đạo một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới của ông Huang không hề đơn giản. Năm 1995, Nvidia ra mắt sản phẩm card đồ hoạ cho game nhưng vấp phải thất bại, khiến công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Hai năm sau, CEO Jensen Huang đặt cược vào chip đồ họa hỗ trợ tăng tốc xử lý 2D lẫn 3D.
Nvidia niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 1999 nhưng giá trị vốn hóa trong suốt nhiều năm vẫn chật vật dưới 10 tỉ USD. Đến năm 2014, vốn hoá công ty bắt đầu bứt phá, đạt 800 tỉ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, không lâu sau thì giá trị vốn hóa của Nvidia lại sụt giảm.
Đầu năm 2022, Nvidia ra mắt H100 - bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất từng được sản xuất. Ban đầu, sản phẩm này không được quan tâm do các công ty công nghệ thắt chặt chi tiêu.
Thế nhưng, đến tháng 11/2022, sự xuất hiện của ChatGPT và cơn sốt AI bùng nổ toàn cầu đã tạo nên nhu cầu rất lớn về chip H100 cho việc xây dựng các trung tâm dữ liệu AI. Từ đó, đà tăng trưởng và sức hút của Nvidia liên tục kéo dài.
![]() |
CEO Nvidia nhận bằng danh dự của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong |
Trong những tuần gần đây, CEO Jensen Huang, cho biết nhu cầu về chip AI của công ty vẫn rất cao. Ông giải thích rằng các mô hình AI thế hệ mới, có khả năng "suy nghĩ để đưa ra câu trả lời tốt nhất", sẽ cần đến nhiều sức mạnh tính toán hơn.
Nvidia hiện phụ thuộc vào khoản đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm từ các tập đoàn công nghệ lớn để duy trì doanh thu khổng lồ. Theo CEO Jensen Huang, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Microsoft, Google và Amazon đóng góp khoảng một nửa doanh thu trung tâm dữ liệu của công ty.