Chuyên gia giải thích tại sao tiêm chủng đầy đủ vẫn có khả năng nhiễm Covid

16:12 10/08/2021

Trên lý thuyết, những người được chủng ngừa đầy đủ vaccine Covid-19 được bảo vệ trước sự xâm nhập của vi-rút, khả năng miễn nhiễm cao cũng như giảm thiểu các ca tử vong. Trên thực tế vẫn xuất hiện các ca nhiễm ở những người đã tiêm đủ hai liều vaccine

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Theo giới chuyên gia nhận định, không có loại vaccine nào đang được triển khai dù là ở Hoa Kỳ hay Châu Âu có hiệu quả 100% trong ngăn ngừa nhiễm bệnh. Đặc biệt, các chủng mới như biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã làm phức tạp hóa viễn cảnh sản xuất và nghiên cứu vaccine.

Báo động được đưa ra sau khi Isreal công bố dữ liệu sơ bộ về các trường hợp Covid. Đây là quốc gia có một trong những chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới cho biết vaccine Pfizer-BioNTech chỉ có hiệu quả 40,5% trong việc ngăn ngừa các bệnh có triệu chứng. Tuy nhiên phân tích này được thực hiện trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành và kết luận cuối cùng vẫn là tiêm đủ hai liều vaccine giúp bảo vệ sức khỏe không bị chuyển biến nặng hay phải nhập viện.

Rất khó để so sánh các kết quả bởi có sự khác biệt về bản chất của các chương trình tiêm chủng ở các quốc gia (ví dụ như Israel tiêm Pfizer cho tất cả người trưởng thành còn ở Anh chủ yếu tiêm cho người trẻ tuổi) cũng như sự khác biệt về ngày nghiên cứu, chế độ kiểm tra và nhóm tuổi tiêm chủng.

Giống như dữ liệu của Israel, dữ liệu của Anh cũng kết luận rằng sau hai liều vaccine Pfizer-BioNTech, khả năng phải nhập viên được phòng chống 96% đối với biến thể Delta. Tương tự, vaccine AstraZeneca có hiệu quả 92% sau khi tiêm đủ hai lần. Dữ liệu ban đầu về hiệu quả sau các thử nghiệm lâm sàng do Pfizer và BioNTech công bố vào năm ngoái cho thấy vaccine này có hiệu quả 95% chống lại sự lây nhiễm từ các chủng vi-rút đang lưu hành vào thời điểm đó.

Giáo sư Lawrence Young, nhà vi-rút học tại Đại học Warwick’s Medical School ở Anh, chia sẻ với CNBC rằng các trường hợp mắc bệnh ở những người được tiêm chủng đầy đủ là một lời nhắc nhở rằng “không có vắc xin nào hiệu quả 100%”. Ông cho biết: “Sẽ luôn có một tỷ lệ những người mắc bệnh nhất định. Ngoài ra, còn có hai yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine. Một là khả năng miễn dịch suy giảm, chúng tôi vẫn chưa kết luận khả năng miễn dịch bảo vệ của vaccine kéo dài bao lâu. Đây rất có thể là một yếu tố dẫn đến những người cao tuổi và nhóm dễ bị tổn thương hơn tái nhiễm”.

Ông nói thêm, yếu tố thứ hai liên quan đến “sự lây nhiễm đột phá ở những người được tiêm chủng do biến thể delta có khả năng lây nhiễm cao hơn”, điều này đã làm tăng thêm sức nặng cho các chương trình tiêm chủng tăng cường.

Đo lường mức độ của các trường hợp nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine không phải là điều đơn giản nhưng theo số liệu do NBC News thu thập cho thấy ít nhất 125.000 người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid và 1.400 người trong số đó đã tử vong. Tuy nhiên, 125.682 trường hợp “đột phá” ở 38 bang có chưa đến 0,08% trong tổng số hơn 164,2 triệu người (và đang tiếp tục tăng) đã được tiêm chủng đầy đủ kể từ đầu năm, tức cứ 1.300 người thì có một trường hợp.

Có nghĩa là, số ca mắc và tử vong trong số những người được tiêm chủng rất ít so với số người chưa được tiêm chủng. Các quan chức y tế, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, đang kêu gọi những người chưa được chủng ngừa tích cực tiếp cận vaccine. Cần phải nhấn mạnh rằng các nghiên cứu cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ ít có khả năng bị nhiễm Covid. Nghiên cứu mới từ Vương quốc Anh được công bố vào thứ Sáu tuần trước chỉ ra những người được tiêm phòng hai lần có khả năng xét nghiệm dương tính với vi-rút thấp hơn ba lần so với những người chưa được tiêm phòng.

Các phân tích về kết quả xét nghiệm PCR trong nghiên cứu REACT-1, một chương trình giám sát coronavirus lớn ở Anh do Đại học Imperial College London dẫn đầu cho kết quả những người được tiêm chủng đầy đủ cũng có thể ít có khả năng truyền vi-rút cho người khác hơn những người chưa được tiêm chủng, do có tải lượng vi-rút trung bình nhỏ hơn.

Giáo sư Paul Elliott, giám đốc chương trình REACT từ Trường Y tế Công cộng Imperial, cho hay những phát hiện này làm nổi bật cả những ưu điểm và hạn chế của vaccine Covid. Ông nói: “Những phát hiện này xác nhận dữ liệu trước đây của chúng tôi cho thấy rằng cả hai liều vaccine đều có khả năng bảo vệ tốt khỏi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thể thấy rằng vẫn có nguy cơ lây nhiễm, vì không có vaccine nào hiệu quả 100% và chúng tôi biết rằng một số người được tiêm đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm bệnh”. Steven Riley, giáo sư về động lực học của bệnh truyền nhiễm tại Imperial, nói rằng các trường hợp như vậy cần phải được nghiên cứu thêm, đặc biệt khi các khu vực trên thế giới đang đối mặt với sự lây lan của các biến thể Delta.

TL