Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Phú Thọ

07:27 03/01/2023

Tháng 11/2021, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ” nhằm mở rộng thị trường, quảng bá và tiêu thụ nông sản.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Để thực hiện nội dung chuyển đổi số, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng hệ thống phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng, vận hành phần mềm hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech - Chuỗi nông nghiệp số” cho thiết bị di động. Các tính năng đều được minh hoạ bằng biểu tượng, hình ảnh, dễ sử dụng cho mọi người dân. Phần mềm và ứng dụng đã tích hợp đầy đủ các phân hệ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp được hơn 10.000 tem QR kiểm dịch, tương đương với hơn 10.000 chuyến hàng vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, chương trình cũng đã hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, biển bảng mô hình cho các đơn vị tham gia và áp dụng tốt chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm: Thiết kế, in ấn, hỗ trợ 2.000 hộp, 2.500 túi đựng sản phẩm, 40.000 nhãn sản phẩm gắn mã QR, 80.000 tem QR truy xuất nguồn gốc cho nhiều chủ thể khác.

Xác định việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, chú trọng xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Đồng thời thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai… để nông dân biết, tìm cách nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Ông Đặng Ngọc Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, trang trại và đặc biệt là các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng phần mềm nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, tiến tới xây dựng thương hiệu cho một số nông sản đặc trưng của Đất Tổ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp với các ngành như Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỉ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế.

PV