Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt

23:55 19/06/2022

Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile-money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, chuyển đổi số ngành Ngân hàng có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống. Nhưng để làm chuyển đổi số cần sự hỗ trợ của tất cả các ngành và các lĩnh vực như an ninh bảo mật, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

"Những con số về chuyển đổi số ngành Ngân hàng được nêu mà cách đây vài ba năm tôi không bao giờ nghĩ đến, đó là tỉ lệ người trưởng thành mở tài khoản ngân hàng đạt 68%. Ước mơ duy nhất của tôi là đưa tất cả dịch vụ lên mobile và thực tế tăng trưởng trên mobile tới 90%, nhiều ngân hàng đạt giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán (NHNN), Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Hội thảo được tổ chức ngày 17/6 và nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày Không Tiền Mặt 2022”.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo cho biết, có 3 trụ cột chủ yếu quyết định sự phát triển mạnh mẽ của TTKDTM, đó là:

Thứ nhất, hành lang pháp lý liên tục được hoàn thiện tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn khuyến khích phát triển TTKDTM và chuyển đổi số ngành Ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Thứ hai, hạ tầng được ngành ngân hàng chú trọng và ngày càng được đầu tư, hạ tầng công nghệ được đẩy mạnh với các công nghệ tiên tiến.

Thứ ba, truyền thông giáo dục tài chính được đẩy mạnh. NHNN đã triển khai nhiều chương trình giáo dục tài chính có sức lan tỏa trong xã hội nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, qua đó góp phần thúc đẩy TTKDTM, tài chính toàn diện.

Nhiều kỳ vọng được đặt ra, với việc tiếp tục đẩy mạnh 3 trụ cột này sẽ tiếp tục có những bước chân thần tốc mới mang tới nhiều tiện ích vượt trội cho khách hàng và hướng tới các mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.

Ở Việt Nam, kỷ nguyên TTKDTT đã mở ra khi mà nhiều người dân đã ưa dùng phương thức thanh toán này. Hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng, thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên của người dùng.

“Xã hội không tiền mặt mang lại nhiều giá trị thiết thực. Với cá nhân, các giao dịch sẽ được an toàn, dù bảo mật là thách thức lớn nhưng sẽ được phát triển và được quan tâm trong khi việc trải nghiệm mang lại sự lý thú, không bị gián đoán, liên kết với hàng nghìn nhà cung cấp, như với MB đang bán 30.000 sản phẩm trên nền tảng. Với doanh nghiệp sẽ giảm chi phí, tăng thêm khách hàng. Với nhà nước sẽ giúp minh bạch trong thu thuế, thu nhập”, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT,Tổng Giám đốc MB chia sẻ.

Dẫu vậy, vẫn còn một tỷ lệ người dân chưa quen và chưa yên tâm với các giao dịch tài chính trên nền tảng công nghệ. Theo quan sát của bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam - Lào, dù tăng trưởng chuyển đổi số vượt bậc nhưng vẫn có những quan ngại khi sử dụng phương thức không dùng tiền mặt về bảo mật, sử dụng thẻ không quản lý được chi tiêu… Do vậy, cần giúp cho người tiêu dùng có nhận thức tốt hơn, có lòng tin, nhìn thấy giá trị lâu dài.

Theo kinh nghiệm của bà Winnie Wong, Chủ tịch Amcham Việt Nam, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và Lào của Mastercard, điểm mấu chốt để phát triển thanh toán không tiền mặt là phải làm sao duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử.

Chia sẻ một số quan điểm lớn trong chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thanh toán – NHNN cho biết, NHNN luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong chuyển đổi số của ngành nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh an toàn lợi ích cho người dân.

Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030, NHNN đặt ra 50%-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng…

AT