Chuyển đổi đầu tư dự án cầu Châu Đốc từ hình thức hợp đồng BOT sang đầu tư công

07:25 09/04/2021

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh An Giang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ liên quan để thực hiện thủ tục chấm dứt đầu tư Dự án cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT...

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2440/VPCP-CN về truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về chuyển đổi Dự án cầu Châu Đốc (Dự án) từ hình thức BOT sang đầu tư công.

Hình ảnh phối cảnh cầu Châu Đốc

Hình ảnh phối cảnh cầu Châu Đốc.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh An Giang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, gồm Tư pháp, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thực hiện thủ tục chấm dứt đầu tư Dự án cầu Châu Đốc hình thức hợp đồng BOT theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, UNND An Giang phải thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về cơ quan có trách nhiệm tiếp tục quản lý đầu tư Dự án, làm cơ sở để triển khai Dự án theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc với mục đích thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1 kết nối TP. Châu Đốc và thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang.

Được biết, Dự án cầu Châu Đốc là một trong 35 dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2016-2030 của TP Châu Đốc theo Quyết định 1265/QĐ-UBND ngày 26/4/2017 của UBND tỉnh An Giang.

Phà Châu Giang vẫn là phương tiện chính để nối thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc (An Giang)

Phà Châu Giang vẫn là phương tiện chính để nối thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc.

Dự án cầu Châu Đốc được khởi động vào tháng 10/2015 Dự án cầu Châu Đốc bắt qua sông Hậu có điểm đầu nối vào Quốc lộ 91 khoảng Km 113+071 tại khu vực phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc (điểm đầu tuyến N1 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên); điểm cuối tại khu vực giao với đường tỉnh 953, thị xã Tân Châu. Chiều dài: 3,26 km, trong đó chiều dài cầu là 667m, rộng 12m cho xe siêu trường, siêu trọng lưu thông. Dự kiến, tổng vốn đầu tư dự án là 931 tỷ đồng và nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn trong 25 năm và 2 tháng. Công trình sẽ khởi công trong quý IV/2015 và hoàn thành vào quý I/2017.

Vào tháng 6/2017, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 – Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt – Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 được Bộ Giao thông Vận tải chọn là nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do sự điều chỉnh các quy định pháp luật mới về hình thức đối tác công tư (PPP), chi phí lãi vay của dự án tăng, mức phí sử dụng đường bộ tối đa bị giới hạn, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo,… Căn cứ theo đó, liên danh nhà đầu tư đề nghị Nhà nước hỗ trợ khoảng 190 tỷ đồng. Tuy nhiên đề xuất này không được chấp thuận do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016–2020 đã được phân bổ và Dự án không nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của Chính phủ.

Dự án bị "treo" từ đó cho đến tháng 9/2019. "Xót xa" cho Dự án này, UBND tỉnh An Giang đã lên tiếng nhận lại (vì trước đó đã từ chối) và được Bộ Giao thông Vận tải chuyển giao.

Đến tháng 3/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ra quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư của Liên danh 168 – Phát Đạt – 620.

Sau đó, xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của UBND tỉnh An Giang về việc đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh An Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng chấp thuận dư án cầu Châu Đốc được đầu tư theo hình BOT như đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải  và UBND tỉnh An Giang.

Hà An