Chứng kiến việc Twitter và Facebook liên tiếp tự bắn vào chân mình trong 20 tháng qua quả là một trải nghiệm giải trí đem đến nhiều cảm xúc tiêu cực – gọi giải trí là vì không ai có thể làm gì ngoài việc để những công ty ấy tự tung tự tác.
Trong khi chúng ta còn đang miệt mài chăm chú vào những bê bối về nhân quyền của Facebook và Twitter, thì chúng ta dường như lại quên mất Google. Công ty này có vẻ như đang đùa giỡn chúng ta với câu chuyện “Chúng tôi không theo dõi vị trí của các bạn.”
Tuần vừa rồi, tờ AP đã đăng tải những kết luận từ cuộc điều tra của họ cho thấy Google vẫn tiếp tục theo dõi vị trí ngay cả khi bạn đã tắt chức năng Location History (Lịch sử Vị trí) trong phần Cài đặt. Trên trang Quản lý hoặc xóa Location History có ghi, “Bạn có thể tắt chức năng Location History bất kỳ lúc nào. Khi Location History đã tắt, những nơi bạn tới sẽ không còn được lưu lại nữa.”
“Điều ấy không đúng,” AP viết. “Ngay cả khi đã ngừng Location History, một số ứng dụng của Google vẫn tự động lưu trữ dữ liệu vị trí theo thời gian mà không hỏi trước (Vẫn có thể xóa được chúng, nhưng khá phiền phức)” Về cơ bản, gần như tất cả mọi thứ đều có thể tiết lộ vị trí của bạn chứ không riêng gì Location History. Đối với những ai đã biết về cách các ứng dụng ăn cắp thông tin thì điều này không phải quá đáng ngạc nhiên. Mặc dù vậy, AP giải thích như sau:
Lấy ví dụ, Google lưu lại một bức ảnh của nơi bạn tới khi bạn chỉ vừa mở ứng dụng Maps (Bản đồ). Các thông tin cập nhật thời tiết tự động trên các điện thoại Android có thể chỉ ra một cách đại khái nơi bạn đang ở. Và một số hành vi tìm kiếm chẳng liên quan chút nào tới địa điểm, như “bánh quy sô cô la,” hay “đồ chơi khoa học cho trẻ,” sẽ chỉ ra tọa độ của bạn chính xác tới từng mét, và lưu trữ vào tài khoản Google của bạn.
Bài báo cũng cho biết: “Các nhà khoa học máy tính tại đại học Princeton đã xác nhận những phát hiện này theo yêu cầu của AP.”
Khi những thông tin từ AP xuất hiện, Google lâm vào tình cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” khi trả lời giới truyền thông. AP nhận được câu trả lời vòng quanh và đổ lỗi cho người dùng theo phong cách cũ rích của Facebook, rằng Google sử dụng vị trí “để cải thiện trải nghiệm người dùng” và rằng mọi người có thể sử dụng những tính năng cài đặt “mạnh mẽ” của họ để chấm dứt việc bị theo dõi vị trí.
Quả là vậy. Rồi tờ The Verge nhận được câu trả lời “chúng tôi đảm bảo người dùng Location History biết rằng khi họ vô hiệu hóa sản phẩm, chúng tôi vẫn tiếp tục dùng vị trí để cải thiện trải nghiệm Google khi họ làm những việc như tìm kiếm Google hay dùng Google chỉ đường.”
Vâng, ít ra thì câu trả lời trên còn cung cấp thêm một chút thông tin.
Trang tin Engadget đã liên hệ Google về vấn đề này. Họ đã chỉ ra rằng dường như có nhiều cách để Google theo dõi vị trí của người dùng, điều này cho thấy việc ngừng tùy chỉnh Location History không đủ để chấm dứt việc vị trí của người dùng bị công ty này lưu lại. Vì vậy, với tình huống này người dùng không thể nào đưa ra được một quyết định “được tham khảo đầy đủ thông tin” – hay đưa ra được một sự chấp thuận “sau khi đã được tham khảo đầy đủ thông tin.”
Người phát ngôn của Google đã trả lời Engadget như sau: “Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống kiểm soát dữ liệu mạnh mẽ – bao gồm các tùy chỉnh trên thiết bị, các hoạt động trên Web và ứng dụng, và trong Location History – người dùng có thể tắt hoặc bật những tùy chỉnh này bất kỳ lúc nào.”
Google không trả lời thẳng vào vấn đề mà họ đang được hỏi.
Vấn đề là, điều này tác động đến tất cả những ai đang sử dụng dịch vụ của Google, bất kể loại điện thoại. Nếu bạn đang tự hỏi việc này có thể ảnh hưởng tới bạn như thế nào thì hãy chú ý tới thông tin mới đây: tháng 3 vừa rồi Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI đã gửi tới Google lệnh yêu cầu chính xác thông tin sau “tìm kiếm tất cả những người dùng dịch vụ của Google đang ở gần khu vực này”. Khu vực này là ám chỉ nơi xảy ra một chuỗi 9 vụ cướp ở Portland bang Oregon. Yêu cầu còn bao gồm “bất kỳ ai có điện thoại Android hay iPhone đang sử dụng dịch vụ của Google, không chỉ mình nghi phạm,” tờ Forbes cho biết.
Theo cuộc điều tra của AP, việc lưu trữ vị trí ảnh hưởng tới người dùng những dịch vụ của Google trên iPhone và trên toàn bộ các thiết bị Android.
“FBI sau đó đã yêu cầu rất nhiều các thông tin cá nhân của người dùng, bao gồm cả tên đầy đủ và địa chỉ, cũng như các hoạt động trên tài khoản Google của họ. Cục cũng muốn biết toàn bộ lịch sử vị trí của những người dùng này,” bài báo cho biết.
Vậy là Cục Điều tra Liên bang Mỹ cũng đã biết rằng nút tắt Location History không làm đúng những gì mà mọi người vẫn nghĩ – đó là ngăn chặn Google lưu lại vị trí của bạn.
Chúng ta có lẽ cũng nên hiểu rằng điều tương tự cũng diễn ra với bất kỳ ứng dụng nào chúng ta đang có trên điện thoại.
Mặc dù vậy, Google không chịu giao nộp dữ liệu bất chấp những yêu cầu liên tiếp từ phía FBI. Tuy nhiên, nếu có một lúc nào đó mà chúng ta nên sợ hãi về việc chính quyền có thể đang bí mật theo dõi những dữ liệu mà chúng ta không thể kiểm soát được, thì đó chính là lúc này.
Trong những cuộc biểu tình diễn ra trong ngày nhậm chức của Tổng thống Trump, Bộ Tư Pháp Mỹ đã bắt 230 người. Cảnh sát Washington DC và Tòa án Tối cao DC đã lần theo các dữ liệu trên Facebook (và điện thoại của những người bị bắt) để rồi cuối cùng khiến phần lớn những người phản đối phải đối mặt với án phạt tổng cộng 60 năm trong tù vì tội biểu tình sai luật.
Nếu FBI và các cơ quan hành pháp Mỹ có thể làm như vậy, thì cũng không lạ khi chính quyền các nước khác có thể gây sức ép cho Google và Facebook, hay thậm chí là Apple để thu thập thông tin người dùng nhằm phục vụ cho những mục đích của họ. Câu chuyện Facebook kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam gần đây là một ví dụ.
Và rồi còn có chuyện lợi dụng quyền được tiếp cận với dữ liệu vị trí của người dùng để phục vụ các hành vi phạm tội, đây đều là những vấn đề đã xảy ra trong nội bộ Google (và Facebook). Một số nhân viên của Google đã bị sa thải, thậm chí bị truy tố vì lợi dụng những dữ liệu người dùng mà họ biết để đe dọa chính những người dùng đó.
Tất nhiên, sự tình đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, vì mọi người không hay biết rằng họ đang trong vòng nguy hiểm, nguyên nhân chủ yếu là do những thông tin mà họ biết là không đầy đủ. Điều này thật đáng xấu hổ sau những cam kết của Google về việc sẽ để người dùng quản lý tốt hơn thông tin cá nhân của họ. Nếu mọi người biết rằng họ đang bị theo dõi vị trí, và ai đang làm việc đó, thì họ có thể sẽ đưa ra những lựa chọn khác cho bản thân mình và những người mà mà họ quan tâm, và thậm chí kể cả việc có tiếp tục sử dụng điện thoại thông minh nữa hay không.
Ngay lúc này đây chúng ta đang phải sống trong một thời đại mà hoàn toàn không thể biết được chúng ta bị theo dõi vị trí như thế nào, bởi những ai, và điều gì sẽ xảy ra với khối lượng thông tin đó. Trong khi các công ty trơ trẽn kia vẫn tiếp tục nói nước đôi với người dùng, thì điện thoại của bạn đang trở thành một thiết bị theo dõi chính bạn bất chấp bạn đang sử dụng nó như thế nào.
Và rồi còn những sự việc mà chúng ta không thể ngờ tới, như người dùng Twitter này mới phát hiện ra Google Photo sẽ tự động tag vị trí ngay cả khi bạn đã tắt chức năng tag vị trí địa lý (geotagging) đi:
Elton Musk: “Mới phát hiện ra rằng mặc dù chức năng geotagging trên ứng dụng máy ảnh đã bị tắt, nhưng Google Photo vẫn tự động thêm vị trí vào khi nó nhận ra một địa danh nào đó. Thật là quái lạ.”
Nhưng việc mang theo một tấm ảnh tháp Eiffel rồi chụp hình nó cùng với bạn để đánh lừa AI Deep Mind của Google có lẽ không phải là một ý tưởng hay.
Nhưng lúc này, đó có lẽ là giải pháp duy nhất chúng ta đang có hiện nay.
Quốc Hùng (Theo Engadget)