Chiều 27/5, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới". Hội thảo nhằm đánh giá bối cảnh mới và phân tích những cơ hội đang mở ra trên thực tiễn đối với đầu tư phát triển nhà ở xã hội; đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hiệu quả cho việc phát triển nhà ở xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Đức Sơn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp, đồng thời góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, đảm bảo an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội.
Quyết định 388/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước mới có 657 dự án nhà ở xã hội được triển khai, số lượng căn hoàn thành mới chỉ đạt 15,6% mục tiêu đến năm 2025. Chính phủ cũng đã dành gói 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội, nhưng tiến độ giải ngân còn rất chậm.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, Quốc hội đang xem xét thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, nhiều cơ chế đột phá, đặc thù được đưa ra, như: cắt, giảm một loạt thủ tục hành chính; để chủ đầu tư tự quyết định giá bán; mở rộng đối tượng hưởng chính sách; thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia... Dự kiến, Nghị quyết sẽ được Quốc hội thông qua ngày 29/5 tới đây tại kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
![]() |
Hội thảo "Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới". Ảnh: Hà Anh. |
Chia sẻ tại Hội thảo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn trong việc phát triển nhà ở xã hội. Đó là quỹ đất hạn hẹp, nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; nơi có đất thì lại thiếu yếu tố cơ sở hạ tầng.
Nhiều địa phương chưa có quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển, phần lớn chủ đầu tư phải tự lo quỹ đất, tự giải phóng mặt bằng. Điều này gây khó khăn, tốn kém lãng phí. Từ đó, đẩy chi phí giá thành lên cao, dẫn đến việc không thể hoàn thành giải phóng mặt bằng.
“Hiện chưa thực sự có chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội”, ông Đính nhấn mạnh.
Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, kết quả thực hiện theo Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội vừa qua chưa đạt kỳ vọng. Trong đó có các vướng mắc về thể chế.
Thủ tục để doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội còn khó khăn và phức tạp hơn so với dự án nhà ở thương mại. Đã có chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội song quỹ nhà ở cho thuê chưa phát triển.
“Một chính sách mà dự tháo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội cần hướng đến và làm rõ là có nguồn lực để xây dựng quỹ nhà ở xã hội và nhà ở dành cho các đối tượng công chức, viên chức, người lao động. Trong đó hướng tới một số đối tượng như lực lượng nhân lực trẻ dưới 35 tuổi", bà Hạnh cho hay.
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam điểm ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc mà ông cho rằng là các “điễm nghẽn” trong phát triển nhà ở xã hội. Đó là một số địa phương chưa quan tâm đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương, do đó các thủ tục về nhà ở xã hội chưa nhanh.
![]() |
Phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. |
Chính phủ đã có các chính sách về các gói vay ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội, tuy nhiên thực tế người mua, thuê nhà ở xã hội đang khó tiếp cận các gói vay ưu đãi này. Mức lãi suất cho vay cao và thời hạn vay ngắn, trong khi đó nếu tính với mức thu nhập người dân và giá nhà ở xã hội như hiện nay thì cũng phải 23 – 25 năm mới trả được tiền vay.
Ông Khôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng chủ trì có các phương án, giải pháp cụ thể để ổn định, giảm mặt bằng giá bất động sản thông qua việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, quy hoạch, quỹ đất, định giá đất, chuyển nhượng dự án bất động sản. Định hướng để phát triển cân bằng các phân khúc thị trường bất động sản, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản để nhanh chóng đáp ứng đưa sản phẩm vào sử dụng, tăng thu nguồn ngân sách nhà nước và địa phương. Tạo lập nguồn vốn lãi suất thấp, đa dạng nguồn vốn thông qua thành lập Quỹ phát triển nhà ở (ưu tiên nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và cho người dưới 35 tuổi…).
“Cần cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thu hồi toàn bộ mặt bằng hay theo giai đoạn thực hiện hoặc theo phân kỳ phải được hướng dẫn cụ thể. Đối với địa phương cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng “cò mồi”, “thổi giá”, đấu giá bất thường… theo Luật Kinh doanh bất động sản”, ông Khôi khuyến nghị.