Chùa Bút Tháp từ là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Phật, đồng thời là công trình kiến trúc điêu khắc nghệ thuật đặc sắc còn lại trên đất Bắc Ninh mang dấu ấn kiến trúc hai thời Lê - Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn đến ngày nay. Chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” với nhiều tòa ngang, dãy dọc kiểu “trăm gian” với các toà nhà như: Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Tích Thiện Am, Nhà trung, Phủ thờ, Hậu đường và các dãy hành lang bốn xung quanh. Nơi đây lưu giữ 4 Bảo vật Quốc gia gồm: Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án, được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.
Những tấm bia đá là những trang sử vô giá cho biết về lịch sử ngôi chùa, những lần trùng tu tôn tạo, những người công đức trùng tu chùa, và nhiều thông tin khác về lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo.
Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay - Bảo vật Quốc gia, là một kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và hơn 900 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Mỗi bàn tay lại có một con mắt đen láy, nhịp điệu mỗi cánh tay cũng khác nhau, cả nghìn tay nghìn mắt nhìn tổng thể như những vòng hào quang tỏa ra.
Tòa Cửu phẩm liên hoa - Bảo vật Quốc gia, có hình tháp bát giác, cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen được đặt ở chính giữa lòng nhà tòa Tích thiện am, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. 9 tầng Cối kinh tạc hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niết bàn.
Hương án chùa Bút Tháp - Bảo vật Quốc gia, là tác phẩm nghệ thuật đẹp nổi tiếng, tiêu biểu mẫu mực cho phong cách điêu khắc gỗ thời Lê Trung Hưng. Nét độc đáo của Hương án không chỉ nằm ở sự đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí, đặc biệt là các đồ án hình tượng rồng phong phú, đa dạng được chạm khắc dày đặc, trám vào hầu hết các khoảng trống trên thân hương án tạo ra cảm giác vừa uy nghi vừa linh thiêng.
Bộ tượng Tam Thế Phật - Bảo vật Quốc gia, được chạm khắc tinh xảo, biểu tượng cho Phật pháp vĩnh cửu. Điểm độc đáo khiến cho những pho tượng này khác biệt với tất cả các bộ tượng Tam Thế khác là nguyên bản, trọn vẹn, có ý tưởng Phật giáo sâu sắc, chưa từng thấy trên các bộ tượng Tam thế khác. Sau lưng tượng có gắn vầng hào quang hình cánh sen, trên đỉnh vầng hào quang là hình ảnh đôi chim Cộng Mạng với lối chạm khắc tinh xảo biểu tượng cho Phật pháp vĩnh cửu.
Tháp Báo Nghiêm, trông như một cây bút gồm 5 tầng với chiều cao 13,05m, tầng đáy rộng với mái hiên nhô ra, bốn tầng trên gần giống nhau, năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Tương truyền vào năm 1876, khi vua Tự Đức qua chùa thấy có một cây tháp hình dáng khổng lồ liền gọi tên là Bút Tháp, và ngôi chùa mang tên Bút Tháp từ đó.
Mỗi một công trình kiến trúc ở chùa là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Trong đó, ấn tượng nhất là tòa Tích Thiện Am, một tòa nhà ba gian hai chái, chính giữa có hai tầng gác nhô cao với các đầu đao uốn cong.
Chùa Bút Tháp lưu giữ gần 100 pho tượng gỗ tạc trong nhiều tư thế đứng, ngồi, quỳ với nét mặt sinh động, biểu hiện nội tâm sâu sắc với ý nghĩa Phật giáo cao cả.
Mỹ Ánh