Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 7/2024, tình hình giá cả hàng hóa trên toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những biến động địa chính trị và kinh tế tại nhiều quốc gia. Chiến sự tại Trung Đông vẫn chưa có hồi kết, cộng thêm sự phục hồi kinh tế không ổn định của Trung Quốc đã gây ra sự suy giảm mạnh về giá dầu và kim loại.
Giá dầu thô đã giảm liên tục do tác động của đồng USD mạnh lên và các tín hiệu kinh tế trái chiều, làm cho tâm lý của các nhà đầu tư trở nên lo lắng. Thêm vào đó, nỗi lo về việc nhu cầu dầu giảm sút ở Trung Quốc do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự đoán cũng gây áp lực lên giá dầu. Kết quả là, giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần qua, chỉ còn 81,01 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ cũng giảm xuống còn 76,96 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn tìm thấy một số yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là sau khi Chính phủ Mỹ công bố lượng dự trữ dầu hàng tuần giảm mạnh và tăng trưởng kinh tế quý II/2024 của Mỹ đạt mức cao hơn kỳ vọng.
Trong tháng 7, giá sắt thép xây dựng tại Trung Quốc liên tục giảm do triển vọng nhu cầu trong nước không mấy sáng sủa. Giá quặng sắt cũng có lúc chạm mức thấp nhất trong 3 tháng qua, do ảnh hưởng của áp lực giảm phát kéo dài và tình trạng trầm lắng trong lĩnh vực bất động sản. Giá các loại thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đều giảm, trong đó thép cây giảm gần 0,4%, thép cuộn cán nóng giảm gần 1,2%, và thép dây giảm khoảng 0,7%.
Trái ngược với thị trường sắt thép, giá vàng lại có nhiều biến động. Đã có thời điểm giá vàng tăng lên mức cao nhất trong gần 2 tháng, nhờ vào hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất. Nếu Fed thực hiện cắt giảm lãi suất trong tháng 9, giá vàng có thể tiếp tục được hỗ trợ trong ngắn hạn.
Thời tiết thuận lợi cũng đã góp phần làm tăng nguồn cung, khiến giá nhiều mặt hàng nông sản giảm. Giá lúa mỳ tiếp tục giảm do dự báo sản lượng lúa mỳ vụ Xuân của Mỹ sẽ dồi dào, cùng với việc các nhà xuất khẩu ở Biển Đen đưa ra mức giá rẻ hơn. Giá đậu tương và ngô Mỹ đã có lúc chạm mức thấp nhất trong nhiều năm, nhưng sau đó đã tăng trở lại nhờ vào việc mua vào mạnh mẽ và dự báo sản lượng thu hoạch ở một số khu vực trên thế giới giảm.
Trong tháng 7/2024, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tích cực, với các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như áp lực lạm phát và rủi ro trong thị trường tài chính, tiền tệ. Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực vẫn còn hồi phục chậm.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 đã tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,89% so với tháng 12/2023, và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng, và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.
Nhìn chung, CPI từ đầu năm đến nay đã có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, từ mức 3,37% trong tháng 1/2024 lên mức cao nhất 4,44% vào tháng 5/2024, trước khi giảm nhẹ xuống còn 4,34% trong tháng 6/2024 và tăng nhẹ trở lại lên 4,36% trong tháng 7/2024.
Linh Anh