Nội dung này đã được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh – ông Nguyễn Văn Út đề cập đến trong buổi làm việc với các sở, ngành và địa phương liên quan, nhằm rà soát tiến độ triển khai các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Cửa khẩu Quốc tế Tân Nam, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, đồng thời kiểm tra tình hình giải phóng mặt bằng các công trình giao thông chiến lược trên địa bàn.
Quy hoạch Khu kinh tế Mộc Bài – Đòn bẩy mới cho Tây Ninh
Một trong những nội dung trọng tâm của buổi làm việc là tiến độ thực hiện và công bố quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện các sở, ngành đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để công bố quy hoạch và mời gọi đầu tư.
![]() |
Khu kinh tế Mộc Bài có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biên mậu, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư của tỉnh Tây Ninh. |
Khu kinh tế Mộc Bài có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biên mậu, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư của tỉnh Tây Ninh. Với vị trí cửa ngõ phía Tây Nam nối liền Campuchia, đây được xem là đầu mối trung chuyển hàng hóa và giao thương khu vực Đông Nam Bộ, đóng vai trò then chốt trong liên kết vùng. Nơi đây cũng được kỳ vọng trở thành điểm nhấn mới trong thu hút đầu tư, phát triển xuất nhập khẩu và kinh tế biên mậu khu vực phía Nam.
Mục tiêu quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực mới, cực tăng trưởng phát triển kinh tế có tầm cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và khu vực ASEAN; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất liền tại vùng Đông Nam Bộ.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được quy hoạch có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông - lâm nghiệp, gắn với các hoạt động đối ngoại của quốc gia, giao lưu kinh tế, văn hóa và quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực ASEAN.
Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đạt 105.000 - 155.000 người; đến năm 2045 quy mô dân số đạt 310.000 người.
![]() |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út nhấn mạnh: “Khu kinh tế Mộc Bài không chỉ là tâm điểm phát triển của tỉnh mà còn có vai trò liên kết vùng. Vì vậy, cần có kế hoạch công bố quy hoạch rõ ràng, minh bạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đồng thời, phải sớm xây dựng đề án xin cơ chế đặc thù trình Trung ương để tạo sức bật phát triển mạnh mẽ cho khu vực này”.
Ông cũng lưu ý các sở, ngành cần xác định rõ nguồn lực thực hiện – từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa đến đầu tư công trung hạn để có phương án triển khai các dự án hạ tầng đồng bộ, hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triểnTại hội nghị, nhiều dự án giao thông trọng điểm cũng được đề cập. Đáng chú ý là dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Đường tỉnh 827E... đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đặc biệt với cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, tuyến đường huyết mạch có vai trò kết nối liên vùng, mở ra không gian phát triển mới cho Tây Ninh.
“Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ưu tiên xử lý dứt điểm các trường hợp vướng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công”, ông Thanh nhấn mạnh.
![]() |
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh. |
Song song với Mộc Bài, Cửa khẩu Quốc tế Tân Nam cũng đang được tỉnh quan tâm phát triển. Dự án xây dựng cửa khẩu này đang được triển khai với tổng vốn đầu tư 274 tỷ đồng, gồm 5 hạng mục chính, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8/2025. Khi đưa vào hoạt động, đây sẽ là điểm kết nối quan trọng phục vụ trao đổi thương mại giữa Tây Ninh và Campuchia, giảm tải cho Mộc Bài và tạo thêm động lực phát triển vùng biên.
Hỗ trợ xã sau sáp nhập – ưu tiên trụ sở, thiết bị, phương tiện
Tại buổi làm việc, đại diện UBND các xã cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm phân bổ kinh phí hoạt động cho cấp xã, đầu tư nâng cấp trụ sở và cải thiện hạ tầng kỹ thuật sau sáp nhập.
Chia sẻ với khó khăn của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út khẳng định: “Trong nhiệm kỳ tới, UBND tỉnh sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng mới trụ sở xã, mua sắm trang thiết bị và xe công phục vụ công tác theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ cơ sở”. Ông cũng chỉ đạo Sở Tài chính khẩn trương bố trí kinh phí sửa chữa, bổ sung thiết bị cho các xã, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn.
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc. |
Ưu tiên tái định cư chất lượng – người dân là trung tâm
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Văn Út yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện đúng phương châm: "Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ". Việc lựa chọn vị trí tái định cư cần ưu tiên những khu vực thuận tiện, hạ tầng đầy đủ, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống lâu dài.
“Tây Ninh đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong nhiệm kỳ tới, sẽ là đại công trường của các dự án giao thông trọng điểm. Chúng ta phải phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, xây dựng Tây Ninh giàu đẹp, văn minh và hiện đại”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.
Khu kinh tế Mộc Bài được kỳ vọng sẽ là đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho tỉnh Tây Ninh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cùng quyết tâm từ các cấp, ngành và địa phương, vùng đất biên giới này đang dần vươn mình trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực phía Nam. |