Bài liên quan |
Lào Cai siết chặt kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng |
Du lịch Lào Cai: Sẵn sàng bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lào Cai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới trên 11.700 ha rừng, đạt gần 98% kế hoạch cả năm. Trong đó, diện tích rừng sản xuất tập trung đạt 765 ha (gần 71% kế hoạch), còn lại chủ yếu là diện tích rừng tái canh sau khai thác, với con số vượt trội hơn 10.878 ha.
Đây là tín hiệu cho thấy mô hình sản xuất lâm nghiệp tuần hoàn – khai thác đi đôi với tái tạo – đang ngày càng được người dân Lào Cai tiếp cận và thực hành nghiêm túc. Chuỗi giá trị lâm sản được duy trì bền vững, không làm gián đoạn chu kỳ kinh tế rừng, góp phần ổn định sinh kế và tăng trưởng địa phương.
![]() |
Lào Cai thu trên 2.400 tỷ đồng từ rừng trong 6 tháng đầu năm |
Song song với trồng rừng tập trung, phong trào trồng cây phân tán cũng phát triển mạnh mẽ, với hơn 6,88 triệu cây xanh được phủ khắp bản làng, nông trại, khu dân cư. Màu xanh của rừng đã lan tỏa vào từng không gian sống, vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Không chỉ mở rộng diện tích trồng mới, công tác quản lý, bảo vệ và tái sinh rừng tự nhiên cũng được tỉnh Lào Cai triển khai bài bản và đồng bộ. Hơn 493.666 ha rừng hiện có trên toàn tỉnh được bảo vệ nghiêm ngặt, nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, Lào Cai đã thực hiện khoanh nuôi tái sinh hơn 8.629 ha rừng, đạt 100% kế hoạch cả năm. Đây được xem là giải pháp “thuận thiên”, tiết kiệm chi phí nhưng mang lại hiệu quả lâu dài trong khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên – một trong những yếu tố then chốt giúp nâng cao giá trị đa chức năng của rừng.
Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh hiện ước đạt 61,37% (tính trên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập), cao hơn mức bình quân cả nước và trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về tỷ lệ phủ xanh. Rừng Lào Cai không chỉ là nguồn tài nguyên kinh tế, mà còn là “lá phổi” góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước và chống thiên tai.
Để đạt được kết quả đáng khích lệ nêu trên, tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp: Từ việc quy hoạch vùng nguyên liệu rừng, cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác, đến việc ban hành các chính sách khuyến khích người dân gắn bó với nghề rừng.
Trong đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES) được xem là điểm tựa tài chính quan trọng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu từ PES đã góp phần cải thiện thu nhập cho hàng chục nghìn hộ dân sống gần rừng, thúc đẩy họ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ, trồng và phát triển rừng.
Không chỉ dừng lại ở con số, thành quả 6 tháng đầu năm 2025 đã khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh Lào Cai trong việc coi rừng là ngành kinh tế bền vững. Rừng không còn là “nơi để khai thác”, mà đang dần trở thành “nguồn sinh lợi lâu dài” cả về kinh tế, môi trường và an sinh xã hội.