Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 798 nghìn lượt (đạt 62% kế hoạch, tăng gần 57%), còn khách nội địa đạt hơn 11 triệu lượt (đạt 53,73% kế hoạch, tăng 18,35%). Những con số tăng trưởng ấn tượng này phản ánh sức bật rõ nét của ngành du lịch Lâm Đồng trong bối cảnh phục hồi kinh tế, đặc biệt sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính giữa ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông.
Việc thành lập tỉnh Lâm Đồng mới đã mở ra một không gian du lịch liên hoàn độc đáo, nơi ba vùng địa hình – cao nguyên, rừng và biển – hội tụ trong một hệ thống quản lý, quy hoạch và xúc tiến chung.
![]() |
Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm |
Giữa Lâm Đồng và Đắk Nông, Bình Thuận nổi lên như trụ cột chiến lược với vị thế là trung tâm du lịch biển phía Nam, có hạ tầng đồng bộ và hệ sinh thái nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ.
Bình Thuận hiện là nơi sở hữu chuỗi điểm đến biển nổi tiếng hàng đầu cả nước như Mũi Né, Hòn Rơm, Bãi đá Ông Địa, Bàu Trắng, Đồi Cát Bay, Kê Gà và đặc biệt là đảo Phú Quý – nơi đang được định hướng trở thành trung tâm du lịch biển đảo đặc thù. Bên cạnh yếu tố cảnh quan tự nhiên, Bình Thuận còn là địa phương đi đầu trong phát triển du lịch gắn với thể thao mạo hiểm như lướt ván buồm, xe địa hình trên cát, đua thuyền SUP, dù lượn, và gần đây là tổ chức các giải golf quốc tế trong chuỗi resort cao cấp ven biển.
Theo số liệu năm 2024, Bình Thuận đã đón trên 9,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm gần 10%. Với việc kết nối hành lang du lịch từ Đà Lạt xuống biển qua cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và cao tốc Tân Phú – Liên Khương, du khách hiện nay chỉ mất 2 – 3 giờ để di chuyển từ khí hậu mát lạnh của cao nguyên xuống vùng biển nhiệt đới đầy nắng gió. Điều này mở ra khả năng phát triển các sản phẩm “2 trong 1” như: du lịch cuối tuần “sáng biển – chiều núi”, tour dưỡng sinh kết hợp yoga – thiền – chăm sóc sức khỏe, hay tour canh nông – nghỉ dưỡng ven biển.
![]() |
Bãi biển hòn Rơm ở Mũi Né |
Trong bối cảnh sáp nhập địa giới và hợp nhất quy hoạch liên vùng, Bình Thuận đóng vai trò như một "cửa ngõ biển" không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mới mà còn của cả vùng Tây Nguyên – duyên hải miền Trung. Đây cũng là “trạm trung chuyển cảm xúc” quan trọng trong hành trình du lịch của du khách khi kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm ẩm thực, thể thao biển và khám phá văn hóa Chăm – Hoa – Việt đặc sắc của vùng đất này.
Sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa Bình Thuận – Lâm Đồng – Đắk Nông sẽ không chỉ góp phần hoàn thành mục tiêu đón hơn 22 triệu lượt khách du lịch trong năm 2025, mà còn định hình một chiến lược phát triển bền vững dựa trên lợi thế liên kết vùng. Khi các tuyến giao thông, sản phẩm du lịch và chính sách xúc tiến cùng được đồng bộ hóa, tam giác du lịch mới này hứa hẹn sẽ trở thành cực tăng trưởng du lịch quốc gia, hướng đến mô hình “mỗi du khách, một hành trình – nhiều trải nghiệm”.