Chế định hợp đồng trong Bộ Luật Dân sự Trung Quốc năm 2020

11:44 03/02/2022

Ngày 28 tháng 5 năm 2020, kỳ họp thứ ba Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc lần thứ 13 và kỳ họp thứ ba của Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc lần thứ 13 đã thông qua Bộ luật Dân sự đầu tiên của Trung Quốc. Bộ luật Dân sự bao gồm 1.260 điều và được chia thành 8 phần sau: (1) Các quy định cơ bản, (2) Quyền tài sản, (3) Hợp đồng, (4) Quyền nhân thân, (5) Hôn nhân và gia đình, (6) Quyền thừa kế và (7) Quyền sở hữu trí tuệ; và (8) các phụ lục.

Bộ luật Dân sự có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, bãi bỏ các nguyên tắc chung và các quy định chung của Luật Dân sự Trung Quốc, Luật Tài sản, Luật Hợp đồng, Luật Bảo lãnh, Luật Hôn nhân, Luật Thừa kế và Luật Trách nhiệm về hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bài viết dưới đây tập hợp một số lưu ý về Chế định hợp đồng trong Bộ Luật dân sự Trung Quốc năm 2020 có tác động ảnh hưởng đối với doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc hoặc với tổ chức, cá nhân Trung Quốc.

Phần Hợp đồng của Bộ luật Dân sự có 562 điều, so với Luật Hợp đồng của Trung Quốc trước đây (hết hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021), có những thay đổi chính sau đây:

Tại phần các quy định chung, bao gồm quy định về việc lập hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng, thực hiện hợp đồng, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, sửa đổi bổ sung và chuyển nhượng hợp đồng, chấm dứt quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, trách nhiệm vi phạm hợp đồng. Tại phần quy định về các loại hợp đồng điển hình, có 19 loại hợp đồng (tăng 04 loại hợp đồng so với Luật Hợp đồng trước đây), được liệt kê như sau: (1) Hợp đồng mua bán; (2) Hợp đồng cung cấp điện, nước, khí và nhiệt; (3) Hợp đồng tặng cho; (4) Hợp đồng cho vay; (5) Hợp đồng bảo đảm, gồm các quy định chung và trách nhiệm bảo đảm; (6) Hợp đồng cho thuê; (7) Hợp đồng cho thuê tài chính; (8) Hợp đồng quản lý; (9) Hợp đồng thầu; (10) Hợp đồng vận tải, gồm có quy định chung, hợp đồng vận tải hành khách, hợp đồng vận tải hàng hóa, hợp đồng vận tải đa phương thức; (11) Hợp đồng công nghệ, gồm có quy định chung, hợp đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, hợp đồng chuyển nhượng công nghệ và hợp đồng cấp phép công nghệ, hợp đồng tư vấn công nghệ và hợp đồng dịch vụ công nghệ; (12) Hợp đồng bảo quản; (13) Hợp đồng kho bãi; (14) Hợp đồng ủy thác; (15) Hợp đồng dịch vụ tài sản; (16) Hợp đồng lưu ký chứng khoán; (17) Hợp đồng môi giới; (18) Hợp đồng đối tác; (19) Hợp đồng chuẩn.

Để thích ứng với thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc, Bộ luật Dân sự đã bổ sung một số điều khoản quy định việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Ví dụ, điều 491 Bộ luật Dân sự quy định: Hợp đồng được lập khi một bên giao kết hợp đồng thông qua mạng Internet công bố thông tin về hàng hóa hoặc dịch vụ của mình phù hợp với điều kiện, bên kia lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ đó và có đơn đặt hàng thành công. Doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý quy định mới này nếu có dự định hoặc hiện đang kinh doanh thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý các điều khoản mới về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đối với bên yếu thế tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng. Ví dụ, điều 496 Bộ luật Dân sự quy định: Trường hợp giao kết hợp đồng theo các điều khoản mẫu, bên đưa ra hợp đồng mẫu phải tuân thủ nguyên tắc công bằng để xác định quyền và nghĩa vụ giữa các bên, đồng thời có biện pháp hợp lý để lưu ý bên kia miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm của mình tại các điều khoản quan trọng liên quan, căn cứ yêu cầu của bên kia để có giải thích, làm rõ quyền và nghĩa vụ của bên yếu thế tại điều khoản đó.

Trường hợp việc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ là nội dung của  hợp đồng không xác định thời hạn, căn cứ điều 563 của Bộ luật Dân sự, đương sự hiện nay có thể hủy hợp đồng nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời hạn hợp lý. Về nội dung này, doanh nghiệp Việt Nam cần rà soát lại các hợp đồng hiện tại của mình để đánh giá có bị ảnh hưởng bởi quy định này hay không.

Về hợp đồng cho vay, điều 680 của Bộ luật Dân sự hiện nay nghiêm cấm việc cho vay với lãi suất cao, mức lãi suất cho vay giới hạn theo quy định liên quan của Trung Quốc.

Đối với hợp đồng bảo đảm nghĩa vụ, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số thay đổi mới liên đến nghĩa vụ bảo đảm và thời hạn bảo đảm nhằm bảo vệ bên bảo đảm theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc. Theo Luật bảo lãnh trước đây, trường hợp hợp đồng không quy định rõ phương thức bảo đảm thì được coi là bảo đảm thông thường, bên bảo đảm khi phát sinh tranh chấp hợp đồng chính mà chưa được giải quyết bởi tòa án hoặc trọng tài, trước khi tài sản của bên có nghĩa vụ trả nợ bị cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì có quyền từ chối thực hiện trả nợ đối với chủ nợ. Ngoài ra, nếu chủ nợ và người bảo đảm nghĩa vụ trả nợ không có thỏa thuận về thời hạn bảo đảm hoặc thỏa thuận có liên quan không rõ ràng, thì tại điều 692 của Bộ luật Dân sự đã rút ngắn thời hạn bảo đảm từ 2 năm theo Luật bảo lãnh trước đây xuống còn 6 tháng kể từ ngày thời hạn của khoản nợ chính hết hạn.

Về hợp đồng thế chấp, điều 406 Bộ luật Dân sự đã cho phép bên thế chấp trong thời gian thế chấp chỉ cần thông báo kịp thời cho bên nhận thế chấp, thì có quyền chuyển nhượng tài sản thế chấp mà không cần sự đồng ý của bên nhận thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp, bên nhận thế chấp chứng minh được việc chuyển nhượng tài sản thế chấp có thể làm thiệt hại tài sản thế chấp, thì có quyền yêu cầu bên thế chấp trả hết nợ đối với nghĩa vụ thế chấp của tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp trước khi chuyển nhượng tài sản thế chấp. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có ý định giao kết hoặc hoặc đã giao kết bất kỳ hợp đồng thế chấp nào, cần hiểu rõ những thay đổi nêu trên để bảo vệ quyền lợi của mình đối với tài sản thế chấp.

Luật sư Bùi Văn ThànhTrưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới