Châu Âu tìm được nguồn cung khí đốt dài hạn thay thế Nga

10:03 17/12/2022

Qatar hiện đang đồng sở hữu, chia sẻ khai thác với Iran mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Đến nay Qatar đã cung cấp 21% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của toàn châu Âu, tỷ lệ này sẽ tăng lên đáng kể khi các bản hợp đồng mới có hiệu lực, quốc gia này được xem như nhà cung cấp triển vọng nhất cho khu vực châu ÂU trong các năm tới.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài khi giá khí đốt đã tăng vọt trong những tháng gần đây do lượng dự trữ thấp và nhu cầu phục hồi sau đại dịch tăng cao. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất điện gió, lại cho hiệu quả thấp.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Dù vậy, lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu bắt đầu giảm từ giữa năm 2021 và giảm mạnh hơn từ đầu năm 2022 trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phuơng Tây đang leo thang mạnh mẽ. Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga ngay từ năm nay và dự kiến sẽ “cai nghiện” hoàn toàn dòng năng lượng từ quốc gia này vào năm 2027.

Để đạt mục tiêu này, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu đàm phán với các nước sản xuất năng lượng chính như Na Uy, Qatar, Algeria; đồng thời đạt thỏa thuận với Mỹ về việc tăng cường cung cấp LNG cho EU. 

Một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Qatar. Ảnh: AP
Một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Qatar. Ảnh: AP.

Hàng loạt quốc gia châu Âu đang tìm đến Qatar với hy vọng sẽ tìm được nguồn cung dài hạn với giá cả hợp lý.

Qatar gần đây đã ký các thỏa thuận lớn với tập đoàn dầu khí đa quốc gia Pháp TotalEnergies và công ty dầu và khí đốt Italy Eni để mở rộng dự án LNG lớn nhất thế giới, đồng thời đang tự định vị mình là nhà cung cấp khí đốt khẩn cấp cho châu Âu.

Qatar đã ký bản hợp đồng kéo dài 15 năm với Đức. Công ty năng lượng của Qatar, QatarEnergy, sẽ bán cho các nhà nhập khẩu năng lượng của Đức 2 triệu tấn khí đốt hóa lỏng mỗi năm kể từ năm 2026. Đây là bản hợp đồng dài hạn đầu tiên của Qatar với nước Đức.

Sau đó, Qatar đã ký kết thêm các thỏa thuận đối tác riêng biệt với TotalEnergies của Pháp và Eni của Italy về việc mở rộng dự án "North Field East" (hay còn gọi là "Dome") trị giá 30 tỷ USD, một trong số dự án LNG lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho biết, tập đoàn dầu khí của Pháp sẽ có 6,25% cổ phần trong dự án. Bộ trưởng al-Kaabi cho biết tập đoàn năng lượng lớn của Pháp sẽ giúp Qatar tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên hơn 60% vào năm 2027.

Hungary đã trở thành quốc gia châu Âu mới nhất chính thức bày tỏ ý muốn ký hợp đồng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG dài hạn với Qatar. Hiện chưa rõ nội dung chi tiết của các cuộc đàm phán, nhưng Hungary cần nguồn cung mới thay thế Nga, quốc gia đang cung cấp cho Hungary 4,5 tỷ m3khí đốt mỗi năm trong bản hợp đồng kéo dài 15 năm.

Ông Peter Szijjarto, bộ trưởng ngoại giao Hungary, cho biết "Hungary mong muốn tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới. Qatar đang cho thấy những bước phát triển lớn trong việc khai thác và vận chuyển LNG".

Một trung tâm sản xuất LNG ở thành phố công nghiệp Ras Laffan, cách phía bắc Doha, Qatar 80 km. Ảnh: Reuters
Một trung tâm sản xuất LNG ở thành phố công nghiệp Ras Laffan, cách phía bắc Doha, Qatar 80 km. Ảnh: Reuters.

Qatar cho biết nước này sẽ chỉ tìm cách mở rộng năng lực cung ứng đáp ứng nhu cầu của các quốc gia châu Âu một cách tuần tự và sẽ không từ bỏ các hợp đồng sẵn có với khu vực châu Á.

Ông Saad Al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar tuyên bố: "Chúng tôi cam kết bán cho châu Âu khối lượng khí đốt theo đúng nội dung hợp đồng, và chúng tôi sẽ không cắt giảm nguồn cung dành cho châu Á để chuyển dòng chảy sang châu Âu".

Qatar là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới sau Nga. Với dự trữ 23,8 nghìn tỷ m3, Nước này cũng đứng thứ 4 thế giới về năng lực sản xuất khí đốt với quy mô 171 tỷ m3 mỗi năm.

Do vị trí địa lý nằm gần châu Âu, Qatar được xem như nhà cung cấp triển vọng nhất cho khu vực này trong các năm tới. Năm 2021, Qatar đã cung cấp 21% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của toàn châu Âu, tỷ lệ này sẽ tăng lên đáng kể khi các bản hợp đồng mới có hiệu lực.

Châu Âu sẽ hợp tác đầu tư, góp vốn để Qatar mở rộng sản lượng tại các mỏ khí đốt của mình. Như Shell mới đây đã cùng với Total Energies, Eni hay Exxon Mobil đầu tư, góp vốn vào dự án trị giá 29 tỷ USD của Qatar để tăng sản lượng khai thác mỏ khí đốt lớn nhất thế giới tại nước này.

D.A (Tổng hợp)