Bài liên quan |
Làm sao để phát triển ngành hàng nhuyễn thể bền vững? |
Nhiều tín hiệu tích cực cho thủy sản nhuyễn thể Việt sang EU |
Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2023 |
Năm 2024, ngành nuôi trồng nhuyễn thể tại Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng tích cực cả về diện tích và sản lượng. Theo báo cáo của Cục Thủy sản, diện tích nuôi nhuyễn thể đạt 57.000 ha, tăng 5,5% so với năm 2022, chiếm 90% tổng diện tích nuôi biển. Sản lượng thu hoạch đạt 420.000 tấn, chiếm 56% sản lượng nuôi biển của cả nước. Bên cạnh đó, diện tích trồng rong biển đạt 16.500 ha, với sản lượng thu hoạch 155.000 tấn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.
Hiện cả nước có 635 cơ sở sản xuất và ương dưỡng nhuyễn thể, với tổng sản lượng giống nhuyễn thể sản xuất trong năm đạt hơn 190 tỷ con. Việt Nam cũng đã thành công trong việc sản xuất giống nhân tạo cho nhiều loài nhuyễn thể quan trọng như ngao, nghêu, hàu, bào ngư, sò huyết, điệp quạt, trai ngọc, tu hài, ốc nhảy và vẹm xanh. Đây là nền tảng để ngành nhuyễn thể tiếp tục phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Giá nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có thể tăng ở tất cả các thị trường chính |
Trong 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể đạt 195,3 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm ngao, nghêu, hàu, sò và vẹm, mang lại nguồn thu lớn từ các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với những biến động đặc thù. Giá cả nhuyễn thể tăng nhẹ trong năm, nhưng xu hướng tiêu thụ giảm vào mùa đông do đặc điểm thời vụ. Mùa hè vẫn là giai đoạn sản xuất chính của các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở bán cầu Bắc, trong khi các lễ hội cuối năm tại phương Tây thường không ưu tiên sử dụng những loài này, ngoại trừ hàu.
Trên thế giới, thị trường vẹm vẫn duy trì ổn định trong năm 2024, với sản lượng xuất khẩu đạt 171.000 tấn. Chile tiếp tục là nước xuất khẩu vẹm lớn nhất, trong khi Pháp ghi nhận sự tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu đối với hải sản bền vững. Vẹm được ưa chuộng nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và tính linh hoạt trong chế biến, từ thực phẩm tươi sống đến nguyên liệu chế biến công nghiệp. Tại Pháp, thị trường vẹm dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng tiêu dùng lành mạnh và nhận thức cao về giá trị dinh dưỡng của loài này.
Đối với mặt hàng hàu, Pháp – nhà sản xuất lớn nhất châu Âu – gặp một số thách thức trong năm 2024. Trong khi đó, sản lượng sò điệp thế giới giảm 18% trong nửa đầu năm, do nguồn cung từ Nhật Bản – nhà xuất khẩu chính – sụt giảm. Sản lượng ngao toàn cầu đạt khoảng 3 triệu tấn, trong đó Ý dẫn đầu châu Âu với 50.000 tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng ngao của Ý chịu tác động tiêu cực từ sự xâm lấn của loài cua xanh ăn thịt nhuyễn thể non. Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất và xuất khẩu ngao lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường tiêu thụ chính của ngao Trung Quốc, với nhu cầu tăng trưởng ổn định.
Biến đổi khí hậu là yếu tố tác động lớn đến ngành nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đặc biệt tại các quốc gia như Ý. Nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ cao khiến giá cả dự kiến sẽ tiếp tục tăng trên các thị trường lớn. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), ngành nuôi trồng nhuyễn thể cần có các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy các mô hình nuôi bền vững để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo sự phát triển dài hạn.