Chiều 6/4/2022, tại Nam Định, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản tổ chức “Diễn đàn Phát triển ngành hàng nhuyễn thể bền vững” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên cả nước.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu Việt Nam – SCBV” do Liên minh Châu Âu và OXFAM tài trợ.
Theo Tổng cục Thủy sản, nhuyễn thể được xác định là một trong những ngành hàng chủ lực bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: nghêu (ngao), sò huyết, ốc hương, trại ngọc, điệp, bào ngư, hàu… Các tỉnh nuôi nhuyễn thể chủ lực là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tp Hồ Chí Minh.
Hiện nay cả nước có khoảng gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể, trong đó chủ yếu sản xuất giống nghêu. Sản lượng giống nghêu hàng năm hơn 130 tỷ con, đáp ứng được trên 60% nhu cầu nuôi.
Nhiều địa phương, hợp tác xã và người dân đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhiều đối tượng nhuyễn thể chủ lực, kết hợp chế biến trên trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể sang thị trường EU tăng mạnh rất mạnh; trong đó, xuất khẩu sản phẩm nghêu tăng 42% với 78 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, nhóm các sản phẩm nuôi trong ngành hàng nhuyễn thể nước ta có nhiều cơ hội phát triển tốt như tổng diện tích mặt nước lên tới 1 triệu ha, đường bờ biển dài 3.260km.
Để khai thác hiệu quả cơ hội, nhất là việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2022 cao hơn năm 2021, Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế.
"Phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý điều kiện nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản vùng nuôi nhuyễn thể. Cần nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật nuôi nhuyễn thể nhằm nâng cao chất lượng nhuyễn thể thương phẩm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Với Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Thứ trưởng yêu cầu chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Chủ động xác định các sản phẩm nhuyễn thể chế biến có giá trị, phù hợp với thị hiếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại cũng là một ưu tiên mà Cục cần làm.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản phải phối hợp tăng cường kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở để xây dựng, phát triển cơ sở, vùng sản xuất giống, nuôi nhuyễn thể an toàn dịch bệnh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Về phía địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và người dân tham gia nuôi trồng nhuyễn thể, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ sở cần hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC…) để nâng cao giá trị sản phẩm.
PV